26/09/2011 10:34 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Lâu lắm rồi, các thế hệ điện ảnh mới lại hào hứng tham dự vào một cuộc tọa đàm bàn về phương cách “giải cứu” điện ảnh Việt (diễn ra tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vào hôm qua, 25/9). Phương thuốc nào sẽ chữa được căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt Nam?
Như TT&VH đã đưa tin, trong khuôn khổ chuyến đi thực tế tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ VH, TT&DL và Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn của điện ảnh Việt Nam. Gần 100 nghệ sĩ điện ảnh các thế hệ đã tham dự cuộc tọa đàm bàn về những vấn đề “nóng” này. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo Bộ VH,TT&DL dự cuộc tọa đàm này.
Khá tâm huyết, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phát biểu đề dẫn cuộc tọa đàm rằng, những khó khăn vừa qua của điện ảnh giống như một trận bão lớn, nhưng sau cơn bão, chúng ta phải bỏ lại đằng sau những đau lòng, buồn khổ để hướng tới tương lai. Trong cuộc tọa đàm, các nhà điện ảnh đã thẳng thắn “bắt bệnh” và “kê toa” cho điện ảnh Việt.
Điện ảnh Việt đang ở đáy thấp nhất?
Nổi tiếng là “kẻ mạnh miệng” của giới điện ảnh, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thẳng thắn: “Từ 10 năm trước, tôi đã nói những điều mà hôm nay đồng nghiệp nói tại cuộc tọa đàm này vì hết cuộc hội thảo này đến cuộc hội thảo khác, thực trạng của điện ảnh luôn bị mang ra mổ xẻ.
Trước đây, chúng tôi được gọi là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, thế mà khi bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, chúng tôi phải trở thành “con buôn”, bị đẩy ra chợ với áp lực về bài toán kinh tế lỗ - lãi. Những “chiến sĩ” của một thời bao cấp bị truyền thông “nện” tơi bời. Có thể nói, chưa bao giờ chúng tôi bị xúc phạm, bị coi thường như thế. Về quản lý thì chịu một cổ hai tròng: duyệt theo định hướng, mà kết quả thì tính theo doanh thu.
Các thế hệ nghệ sĩ đang tìm cách “giải cứu” điện ảnh Việt. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Chúng tôi thừa sức để làm những bộ phim kiếm sống. Nhưng với chúng tôi, Hãng phim Truyện Việt Nam ở số 4 phố Thụy Khuê - Hà Nội là một ngôi chùa mà hiện giờ bị rất nhiều kẻ lăm le phá đi. Năm 1996, qua quan hệ với một số đạo diễn nước ngoài, tôi nhận được lời hứa đầu tư 12 triệu USD để xây dựng cơ sở vật chất, bối cảnh... tại trụ sở Hãng để làm phim về danh nhân Nguyễn Trãi... Nhưng vì vướng vào rất nhiều nhóm lợi ích, đề án này không thành hiện thực. Để bây giờ, thay vào những khu dịch vụ cao cấp, trường quay là những hàng quán lụp xụp, nhếch nhác... Đau lắm chứ!”.
Còn đạo diễn - NSƯT Đỗ Khánh Toàn (từng công tác tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, đã nghỉ hưu) thì cho rằng: “Tại sao chúng ta cứ nói đi nói lại những chuyện của 10 năm nay trong khi không nghĩ tới việc làm phim cho khán giả? Tôi đã từng đặt câu hỏi với anh Lại Văn Sinh khi anh ấy còn làm Giám đốc Hãng phim Tài liệu & Khoa học T.Ư rằng làm phim để làm gì khi Nhà nước cấp ngân sách, thiếu tiền thì Nhà nước bổ sung, phim làm xong không cần lo chuyện phát hành? Làm giám đốc dễ thế, thì anh bảo vệ cũng làm được!
Giới điện ảnh còn là giới dễ nể nang. Khi anh Lại Văn Sinh được bổ nhiệm Cục trưởng, Hãng vẫn giữ lại phòng chơi bóng bàn của anh tại trụ sở mà không dám phá đi. Mãi sau này, khi anh ấy bận quá, không chơi bóng nữa thì cái nhà nhỏ đó mới được dùng làm kho... Từ trước tới nay, những chuyện mà chúng tôi đề đạt, không hiểu sao, hầu như không được lắng nghe. Đơn cử, chúng tôi từng kiến nghị không đầu tư Trung tâm kỹ thuật điện ảnh nhưng lãnh đạo không nghe. Hàng vài chục tỉ đồng được rót vào đó để rồi gần như đắp chiếu vì trình độ nhân sự hiện có không sử dụng được. Những bất cập như vậy, lãnh đạo Bộ có biết không? Nếu không, Bộ phải xem lại cơ chế quản lý, giám sát...”.
Không đổ lỗi cho ai, biên kịch “lão làng” Lê Phương thừa nhận: “Chúng ta đừng nên ngồi đây để trách cứ lẫn nhau và trách cứ một ai đó. Đừng đổ lỗi cho ai, vì đơn giản, chúng ta bất tài, vô dụng. Có đầu tư một tỷ USD, chúng ta cũng không thể làm được bộ phim hay. Điện ảnh Việt Nam đang ở đáy thấp nhất rồi...”.
Vẫn bức xúc với số tiền thất thoát (vừa được công bố là hơn 36 tỷ đồng), biên kịch Phan Thanh Tú chất vấn: “Vấn đề là hai năm qua, rất nhiều kịch bản không được duyệt, vì thế, tôi đề nghị lãnh đạo Bộ cần làm rõ là kịch bản yếu hay do hàng chục tỉ đồng thất thoát nên không có tiền đầu tư? Một hiện tượng nữa là Cục Điện ảnh cũng đứng ra làm phim, thế là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?”.
Và “giải cứu” điện ảnh Việt…
Khi được hỏi ý kiến, đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc cho rằng, cần đánh giá lại quá trình phát triển của điện ảnh Việt Nam và toàn bộ tác phẩm mà điện ảnh đã làm xem có ưu, nhược điểm gì. Các liên hoan phim tổ chức từ trước tới nay đã đạt tới mức độ nào. Việc công luận gọi liên hoan phim như... “hội làng” có xác đáng không?
“Thời gian khó khăn vừa qua ai cũng biết và đau lòng. Chất xám điện ảnh đã đi đâu? Các ngành khoa học đều có viện nghiên cứu để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ thời Bộ trưởng Trần Hoàn, hay sau đó là Bộ trưởng Phạm Quang Nghị, tôi từng nhiều lần đề nghị việc thành lập Hội đồng tư vấn điện ảnh nhằm giúp Bộ hoạch định các chiến lược cho ngành điện ảnh. Ở các nước trên thế giới, với những vấn đề của điện ảnh, chính phủ đều hỏi chuyên gia. Ở ta không có những hội đồng như thế. Lãnh đạo Cục Điện ảnh muốn làm gì thì làm... Theo tôi, trước mắt nên thành lập Ban chấn hưng điện ảnh đề xuất xem sẽ cần thay đổi những gì, tổ chức sắp xếp lại ngành như thế nào? Những hãng phim Nhà nước, mà chúng ta vẫn dành mỹ từ để gọi nó là “anh cả đỏ”, đang khó khăn như thế, sao Cục Điện ảnh không vào cuộc mà để nó ngày càng teo tóp. Buồn lắm!” - đạo diễn nói thêm.
Từng làm ra những bộ phim được nước ngoài mua bản quyền để chiếu và phát sóng trên truyền hình, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng, việc cần làm ngay của ngành điện ảnh là cứu lấy Hãng phim Truyện VN. Ông “hiến kế”: “Nếu như trụ sở văn phòng Hãng phim truyện VN ở số 4 Thái Văn Lung - TP. HCM không thể lấy lại, thì các cơ quan chức năng hãy cấp ngay sổ đỏ cho khu đất ở số 4 Thụy Khuê - Hà Nội. Hãy giao nó cho những người còn tâm huyết với điện ảnh nước nhà để chúng tôi “tay bo” tìm đường sống...”.
Còn đạo diễn - NSƯT Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN thì khẳng định: “Mới hôm qua thôi, tôi nghe nói doanh thu phim Long Ruồi đạt 40 tỷ đồng. Tại sao tư nhân kinh doanh điện ảnh được, mà chúng ta không làm được? Vì thế, tôi khiến nghị xây dựng một mô hình Tập đoàn điện ảnh quốc gia bao trọn từ nhập khẩu đến phát hành, sản xuất phim... Tại sao chúng ta không dám cạnh tranh với tư nhân?”...
***
Khép lại cuộc hội thảo, những ý kiến tâm huyết của giới điện ảnh đã được Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn ghi nhận và sẽ đưa vào chiến lược chấn hưng điện ảnh sắp tới do Bộ VH,TT&DL chủ trì.
Còn tân Cục phó Cục Điện ảnh - TS Ngô Phương Lan thì chia sẻ, chị vô cùng lo lắng khi trở lại với điện ảnh, nhưng cũng chưa bao giờ, chị mong muốn làm được nhiều điều cho điện ảnh như thời điểm này.
* Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Khi được biết về cuộc tọa đàm này, tôi đã hỏi nhà tổ chức, cuộc hội thảo có lãnh đạo Bộ VH,TT&DL tham dự không? Rất mừng là có, vì có người nói, phải có người nghe. Thực tế những năm qua, khi chúng tôi càng nói thì mọi chuyện dường như càng xấu đi. Lâu nay, chúng tôi cứ phải sống trong một cơ chế giả dối. Giả dối vì khi kịch bản được duyệt, chúng tôi sẽ được cấp 70% kinh phí làm phim, trung thực lắm thì 70% của cái 70% ấy được giao cho đoàn phim. Nếu còn có những chuyện không được tử tế lắm, chúng tôi lại mất đi 30% nữa. Đó là điểm chết của điện ảnh. Chúng tôi đã từng có những cuộc họp với Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, rồi Bộ trưởng Lê Doãn Hợp... Vậy mà mọi chuyện không đi đến đâu”.
* Đạo diễn Hà Bắc: “Để có tiền làm phim, chúng tôi phải đi xin một cách hết sức khó khăn. Thế mà vì quản lý kém, người ta để thất thoát hàng chục tỉ đồng. Điều đó gây ức chế cho cả ngành điện ảnh. Tuy nhiên, đây lại là cái may, vì điện ảnh đi đến chân tường thì phải buộc nó phải tìm cách vươn lên hay là chết”.
* Đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Phó GĐ Hãng phim Truyện VN: “Tôi từng hy vọng sau khi được dự những cuộc hội thảo trước đây của ngành điện ảnh rồi lại phải thất vọng vì lãnh đạo ngành thiếu quyết liệt. Cơ thể điện ảnh tuổi 50 nhưng lại như một đứa trẻ mẫu giáo vì vẫn phải ngửa tay xin tiền Nhà nước. Hơn chục đơn vị điện ảnh Nhà nước hoạt động nhiều mô hình cơ chế khác nhau: sự nghiệp, sự nghiệp có thu, cổ phần, trách nhiệm hữu hạn một thành viên...
Làm sao chúng ta liên kết, hiệp lực được khi thân ai nấy lo. Xu thế của thế giới là liên kết để cạnh tranh. Bài toán của ngành điện ảnh là phải tạo ra sức mạnh. Người làm điện ảnh phải sống được, phải thu nhập tốt. Tại sao các bạn trẻ không vào ngành điện ảnh? Đơn giản vì thu nhập của ngành này không đủ sống. Chính phủ cần đầu tư xây các cụm rạp, trung tâm du lịch điện ảnh... để tạo nguồn thu và tái đầu tư cho điện ảnh. Cái gì cũng xin, cứ xin - cho mãi, kết quả thế nào thì chúng ta đều rõ cả. Thực trạng Hãng phim Truyện VN hiện nay có tiền về cũng không có người làm, tâm trạng mệt mỏi ngập tràn cơ quan...”.
* Nhà phê bình Đinh Trọng Tuấn - TBT Tạp chí Điện ảnh: “Theo tôi thấy, không phải Nhà nước không quan tâm tới điện ảnh mà ngược lại, Nhà nước đã đầu tư cho điện ảnh rất nhiều. Cách đây hàng chục năm, hàng trăm tỉ được đổ vào để chấn hưng nền điện ảnh. Hãng phim Hoạt hình cách đây mấy năm vừa xây trụ sở mới, nay lại đập đi xây lại, chứng tỏ không phải không được đầu tư tiền, Trường ĐH Sân khấu &Điện ảnh cũng có những khu nhà khang trang, dễ cũng nhiều tỉ đồng đầu tư...
Trung tâm kỹ thuật điện ảnh cũng được đầu tư nhiều tỉ đồng, nay để AVG thuê, trong khi phim ta thì mang sang Thái Lan, Hong Kong làm hậu kỳ. Đó có phải là một sự lãng phí? Mấy năm nay, phim nghệ thuật như Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi... đều được Nhà nước đầu tư hầu hết kinh phí. Thế mà người nhà cho ta con trâu lại không được nghệ sĩ coi trọng bằng người ngoài cho cái thừng! Bộ phải làm sao có cơ chế để đồng tiền bỏ ra đầu tư phải được trân trọng”.
Thu Hằng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất