Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Biểu tượng sống mãi trong nhạc và họa

06/05/2024 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Thật hiếm có địa danh nào lại ghi đậm diện mạo như một biểu tượng anh hùng tráng ca trong đủ các loại hình nghệ thuật văn, thơ, nhạc, họa ở Việt Nam như Điện Biên Phủ. Cùng với văn học, ở địa hạt âm nhạc và mỹ thuật cũng xuất hiện những tác phẩm thành công và sống mãi về biểu tượng này.

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp theo số báo ra ngày 3/5, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tiếp tục điểm lại những sáng tác văn học nghệ thuật nổi bật về chủ đề này.

Có một "trận Điện Biên của âm nhạc Việt Nam"

Tại hội thảo khoa học Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (Hội Âm nhạc Việt Nam) đưa ra một góc nhìn khá đặc biệt về "trận Điện Biên của âm nhạc Việt Nam".

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Biểu tượng sống mãi trong nhạc và họa - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”

Theo ông Kha, ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện bằng hai cách. Một là giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt Nam. Hai là giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt Nam. Với hành trang ấy, các nhạc sĩ lên đường cùng toàn dân kháng chiến trường kỳ.

"Chỉ đến khi đại quân ta tiến vào Tây Bắc, chìm đắm trong mỏ dân ca các dân tộc Tây Bắc, các nhạc sĩ chúng ta mới bừng ngộ rằng đây chính là kho tàng vô tận cho sự phát triển không ngừng của âm nhạc Việt. Và cùng với trận Điện Biên của cả dân tộc, các nhạc sĩ cũng bắt đầu khởi sự một trận Điện Biên của mình trên đường chinh phục những đỉnh cao âm nhạc" - ông nhấn mạnh.

Như lời nhạc sĩ này, có thể nhìn thấy rõ trận Điện Biên trong âm nhạc Việt Nam qua một tác giả tiêu biểu. Đó là nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Biểu tượng sống mãi trong nhạc và họa - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tại hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”

"Khi bắt đầu vào Tây Bắc, Đỗ Nhuận đã lập một kỳ tích là tạo ra hành khúc Hành quân xa ngắn gọn mang đậm bản sắc Việt Nam nhưng dù sao vẫn là âm hưởng dân ca người Kinh. Đến khi ta đánh Him Lam mở màn, Đỗ Nhuận lại tiếp tục có thêm hành khúc Trên đồi Him Lam. Ở hành khúc này, nhìn thấy người lính từ các tỉnh miền Bắc đều có mặt trên chiến hào nên ông đã trộn trong giai điệu của mình âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ với âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Nhưng vẫn chỉ là dân ca của người Kinh" - ông Kha nói - "Tuy nhiên, cũng chính thời điểm này, Đỗ Nhuận đã bắt đầu chìm đắm trong dân ca các dân tộc Tây Bắc mà chủ yếu là Thái, Mông để có ca cảnh Anh Pan về bản đã là nhạc phẩm Việt đầu tiên mang âm hưởng dân ca Tây Bắc. Mỏ âm thanh quý giá này còn cho Đỗ Nhuận có đủ công lực để tạo ra opera Cô Sao sau hơn 10 năm từ chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc".

"Đến khi Điện Biên chiến thắng (7/5/1954) chấn động địa cầu thì Đỗ Nhuận tạo ra hành khúc Chiến thắng Điện Biên mà ở đó, trong giai điệu nức lòng người này, tác giả đã trộn vào đó dân ca Thái - Mông với dân ca đồng bằng Bắc Bộ mà cụ thể là giai điệu chèo trong điệu Sắp qua cầu vô cùng tự nhiên, tuyệt không dấu vết của lắp ghép. "Súng đại bác cuốn lá ngụy trang/ Từng đàn bươm bướm trắng giỡn lá ngụy trang" thì rất Thái - Mông nhưng đến câu tiếp theo "Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào náo nức mong chúng ta trở về" thì đích thị Sắp qua cầu. Thật tài tình. Sự tài tình của một tầm vóc lớn" - ông Kha dẫn chứng.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Biểu tượng sống mãi trong nhạc và họa - Ảnh 3.

Tranh “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” (lụa, 1958) của Lê Vinh

Có thể nói, Điện Biên Phủ đã tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng. Cùng với Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận còn có Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, Trường ca sông Lô của Văn Cao, Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Mừng chiến thắng Tây Bắc của Đặng Đình Hưng, Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc của Lưu Hữu Phước…

Và những ký ức không phai trong tranh

Trong khi đó ở địa hạt mỹ thuật, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (sơn mài, 112,3 x 180 cm, 1963) của Nguyễn Sáng là một tác phẩm kinh điển, được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 2 -2013). Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (Hội Mỹ thuật Việt Nam), đây là tác phẩm vững vàng nhất của Nguyễn Sáng về một chủ đề chính trị mà đạt được giá trị nghệ thuật cao ở nội dung và phương thức biểu đạt. Bức tranh gây xúc động từ khi nó ra đời. Một hình ảnh kết nạp Đảng ngay trong chiến hào Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Biểu tượng sống mãi trong nhạc và họa - Ảnh 4.

Tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng - một bảo vật quốc gia

"Những hình thể vạm vỡ, chắc chắn của tám chiến sĩ trong chiến hào đã làm nên một huyền thoại về sự hy sinh, quyết tâm và dâng hiến. Tranh dàn ngang cho ta thấy suốt dọc chiến hào là không khí khẩn trương của lễ kết nạp giữa hai đợt chiến đấu, giây phút yên tĩnh hiếm hoi tại trận địa vừa đủ cho một lễ kết nạp giản dị nhưng trang trọng, thiêng liêng" - bà Yến phân tích.

Rồi, ký ức về một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, bản anh hùng ca về những chiến sĩ của một thời binh lửa đã trở thành chất liệu để nhiều họa sĩ xây dựng nên những tác phẩm lịch sử để đời.

Đó là họa sĩ Mai Văn Hiến, vốn là người miền Nam, khi ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 17 (1943 - 1945) cũng là lúc Cách mạng tháng Tám, rồi Toàn quốc kháng chiến sục sôi. Ông có mặt sớm tại Việt Bắc, đời quân ngũ được bắt đầu từ đây với những tác phẩm theo chân anh bộ đội giúp dân gặt lúa, dân công sửa đường, tiếp tế đạn dược... theo khuynh hướng hiện thực.

Bà Hải Yến cho biết sáng tác của Mai Văn Hiến luôn là bố cục đông người, hoạt động náo nhiệt, phần lớn là đề tài bộ đội dân công, súng ống, doanh trại, thao trường. Ký ức đẹp về Điện Biên Phủ được thể hiện trên nhiều tác phẩm: Trước giờ ra thao trường, Du kích Đông Bắc (1949), Anh bộ đội cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc (1998), Gặp gỡ (1954).

Họa sĩ luôn hóm hỉnh kể câu chuyện khi vẽ tranh bột màu Gặp gỡ: "Chàng là một chiến sĩ súng vác vai, ba lô ao đạn quấn quanh; nàng là cô gái dân công tiếp tế đạn dược cho chiến trường, quang gánh còn ở trên vai. Họ là người cùng làng bất chợt gặp nhau trên một bãi nghỉ chuyển quân. Trong không khí nhộn nhịp này họ nhận ra nhau, cảm động, vui mừng, đôi chút ngượng nghịu". Bởi thế, Gặp gỡ nhiều năm tháng vẫn là tác phẩm ấn tượng nhất của Mai Văn Hiến trong cuộc đời quân ngũ Điện Biên.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Biểu tượng sống mãi trong nhạc và họa - Ảnh 5.

Tranh “Gặp gỡ” (bột màu, 1954) của Mai Văn Hiến

Còn nữa, đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phòng trưng bày mang chủ đề "Hội họa kháng chiến" có một Dương Hướng Minh - họa sĩ quân đội với 2 tác phẩm sơn mài cỡ lớn Kéo pháo vào Điện Biên, Chèn pháo mang biểu tượng tấm gương hy sinh của người anh hùng Tô Vĩnh Diện; một Huy Toàn với tranh lụa Bên đường Điện Biên (1958), tranh khắc gỗ Trong trung tâm Điện Biên Phủ (1958). Xúc động nhất là tác phẩm của họa sĩ Lê Vinh, người miền Nam, với tranh lụa Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng (1958). Họ đều là những anh hùng trên chiến trường Điện Biên ngày ấy chứng kiến những khoảnh khắc chắc chắn đã trở thành ký ức mãi mãi không phai.

Hoặc như, mùa Xuân năm 1982 trong bài bút ký Một họa sĩ chân chính, Trần Văn Cẩn ghi lại giây phút cùng Nguyễn Đình Thi chứng kiến chiếc ba lô và cái cặp vẽ bất ly thân của Tô Ngọc Vân được đem về từ nơi ông hy sinh: "Mở chiếc cặp vẽ ấy thật xiết bao cảm động khi thấy trong tập ký họa quý anh ghi dọc đường có một bức vẽ với những nét chì rung động, ở góc ghi ngày 15/6/1954. Đó là một cảnh đèo Lũng Lô - bức vẽ cuối cùng của đời anh...". Hai hôm sau, ngày 17/6/1954, Tô Ngọc Vân hy sinh ở chân đèo Lũng Lô, trên đường vào Điện Biên.

Trong sưu tập tranh Tô Ngọc Vân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các tác phẩm vẽ Điện Biên Phủ của ông như Hành quân qua suối (chì, 1954), Qua đèo Lũng Lô (chì, 1954) bên cạnh những tranh sơn mài Hành quân qua suối của Nguyễn Khang, Qua bản cũ của Lê Quốc Lộc, Hành quân mưa (lụa) của Phan Thông… đã làm sống lại thời kỳ các họa sĩ bên nhau, cùng vẽ nên những tác phẩm về Điện Biên - một biểu tượng vĩnh cửu trong ký ức Việt Nam.

Vẫn chờ đợi tác phẩm văn học mang tính sử thi

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ: "Qua 70 năm, chúng ta hiện vẫn đang chờ đợi những tác phẩm thơ và văn xuôi mang tính tráng ca, sử thi được viết dài hơi hơn, sâu sắc hơn, khai thác được cái nhìn mới nhân văn để xây dựng những hình tượng mới về chiến thắng Điện Biên Phủ".

Ông Chiến cho rằng, trường ca mới nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh là Giao hưởng Điện Biên vừa ra mắt độc giả đã phần nào đáp ứng được những chờ đợi đó. Và, dòng văn học đương đại viết về Điện Biên Phủ đang được các nhà thơ, nhà văn hôm nay hướng tới, mà điều quan trọng là chúng ta cần có những đầu tư chiều sâu kịp thời để hỗ trợ cho các tác phẩm văn học về đề tài này.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm