20/07/2017 06:43 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đấy là câu hỏi mà tôi đặt ra sau khi xem xong những đoạn clip đã gây sốt trên mạng xã hội nhiều ngày qua.
Một vị tướng về hưu dùng những lời lẽ nặng nề đối với một CSGT đã chặn xe ông lại. Một người phụ nữ ở TP.HCM đi xe vào đường ngược chiều và sau đó nhảy ra cãi lộn với người CSGT đã dừng xe của cô. Tất cả đều chống lại người thi hành công vụ đang hành động theo pháp luật mà họ có nhiệm vụ bảo vệ và hướng dẫn các công dân phải chấp hành.
Kết luận: không ai sợ CSGT.
Điều gì đã xảy ra trong một mối quan hệ rất cần sự hợp tác chứ không phải đối đầu?
Điều gì đã khiến người ta có những phản ứng mạnh mẽ như thế đối với CSGT, dù những người bị chặn lại rõ ràng là vì phạm luật?
Giải thích những điều diễn ra là một câu chuyện rất dài, vừa phức tạp, vừa nhạy cảm nhưng cũng không quá đến mức khó hiểu. Để rồi, cuối cùng, câu trả lời sẽ phải quay về một mối quan hệ đã rạn vỡ giữa các công dân và luật pháp.
Đấy là những tư duy lệch chuẩn và bất tuân pháp luật, đã và đang tồn tại trong xã hội hiện tại, chà đạp lên những quy định quản lí đất nước. CSGT, những người đại diện pháp luật có tần suất đối mặt thuộc loại cao nhất với số đông các công dân, chỉ là một ví dụ tiêu biểu nhất cho mối quan hệ không ổn ấy.
Thái độ của người phụ nữ kia không có gì khó hiểu. Đấy là một phản ứng rất thông thường của không ít người ta luôn gặp trên phố. Họ là những sản phẩm hoàn hảo của một thứ văn hóa đang tràn lan trong xã hội hiện tại: thái độ bất chấp, thách thức, sẵn sàng lách luật, bởi họ tin rằng có thể thoát khỏi pháp luật bằng cách xin xỏ, gọi điện cho “người quen” hoặc hối lộ một số CSGT đã tha hóa một khoản tiền nào đó.
Thái độ của vị tướng về hưu lại phản ánh một sự thật khác nữa: khi là đại diện của một quyền lực nào đó, họ tin là mình có đặc quyền, chí ít là quyền la mắng khi không bằng lòng với việc bị CSGT "tuýt còi".
Hai câu chuyện của họ tưởng như khác nhau, nhưng thực ra chỉ là một, và không có sự khác nhau về bản chất. Nó đặt ra hàng loạt câu hỏi nữa về việc, thực ra chúng ta đã tôn trọng CSGT nói riêng và pháp luật nói chung ở mức nào?
Hay trong khi mạnh mẽ lên án người phụ nữ cũng như vị tướng về hưu ấy, chúng ta vẫn ngấm ngầm vi phạm pháp luật theo các mức độ khác nhau mà không bị ai quay clip?
Điều gì khiến không ít người trong số chúng ta cảm thấy tim thót lên khi một CSGT từ bên hè cầm gậy chuẩn bị bước ra và không biết sẽ chỉ vào ai trong số những người đi đường, trong đó có ta? Tại sao khi chứng kiến một ai đó đang bị CSGT giữ lại, ta thường thở phào nhẹ nhõm hoặc cảm thấy thương hại cho người đó, chứ không mấy khi tự đặt ra câu hỏi anh ta /chị ta đã vi phạm ở mức nào và làm thế nào để ta không rơi vào hoàn cảnh đó?
Nếu chúng ta biết chúng ta không làm sai, chúng ta thực sự lương thiện, tại sao chúng ta phải sợ và để mình rơi vào trạng thái mù mờ, đôi khi sợ hãi đến mức run rẩy và rồi tự kích hoạt cơ chế nghĩ ra một loạt lí do để xin xỏ CSGT khi bị dừng phạt, sau đó tìm cách hối lộ họ, và rồi, khi ta được cho đi, lại sẵn sàng lên Facebook viết những lời mạt sát CSGT?
Sự trượt dài của quan hệ giữa người với người trong xã hội theo hướng ấy là cả một quá trình đã diễn ra từ lâu, và dường như người ta đang bất lực trong việc ngăn cản nó lại. Bởi khi các cá nhân cùng nhìn thấy những người khác làm điều sai như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều và lăng mạ CSGT mà không bị trừng phạt (hoặc trừng phạt không đúng mức), họ sẽ nghĩ rằng có thể tồn tại mà không cần phải sống đúng. Và làm điều tốt, điều tử tế, làm đúng luật là những thứ đang ngày càng trở nên xa xỉ hơn…
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất