Băn khoăn vụ livestream 'Cô Ba Sài Gòn'

22/11/2017 07:10 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Những ngày vừa qua, vụ Cô Ba Sài Gòn bị livestream phát tán trên facebook gần 30 phút đã làm dấy lên dư luận trái chiều, mà đa số muốn “xử nặng tay” với người livestream.

Vụ việc xảy ra khi một sinh viên tên T. (19 tuổi) dùng điện thoại livestream lúc đang xem phim này, trong một rạp ở Vũng Tàu. Phía rạp chiếu phát hiện, yêu cầu T. ngưng và báo cáo vụ việc với quản lý, nhà sản xuất. Liên quan đến vấn đề này, phía nhà sản xuất bộ phim là Ngô Thanh Vân đã lên tiếng chính thức đề nghị công an vào cuộc xử lý đối với sinh viên T. này.

Rõ ràng việc làm của T. là sai, nhưng Ngô Thanh Vân có nên đề nghị công an vào cuộc chưa? Có lẽ là chưa nên. Tạm dừng việc đánh giá cái được cái mất về doanh thu, về danh tiếng mà phim gặp phải sau khi bị livestream chừng 30 phút. Căn cứ theo pháp luật Việt Nam hiện hành và các phân tích của các luật gia xung quanh vấn đề này có thể thấy vụ việc chưa đủ dấu hiệu để cấu thành tội hình sự, mà chỉ dừng ở mức những quan hệ dân sự.

Chú thích ảnh
Vừa ra mắt chưa lâu, phim "Cô Ba Sài Gòn" đã bị quay lén

Bởi đây không phải là hành động phân phối trái phép bộ phim để bán vé, thu tiền. Chưa nói, phía của Ngô Thanh Vân cũng cần phải chứng minh việc thu lợi của T., và cả sự thiệt hại cụ thể của Cô Ba Sài Gòn. Hành động phân phối trái phép được ghi rõ: “Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý mua bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam” - dẫn theo Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 của Chính phủ.

Nếu nhìn ở góc độ dân sự thì dường như phía Ngô Thanh Vân đang hơi vội vàng, hoặc đang đi quá giới hạn, nên mới dẫn đến việc “đề nghị” phía công an sớm xử lý. Vì đúng ra, phía Ngô Thanh Vân chỉ cần đệ đơn kiện hoặc khiếu nại lên cơ quan chức năng, mọi đúng sai, nặng nhẹ chỉ được phân xử tại một phiên tòa, mà ở đây có thể là tòa dân sự.

Và như vậy thì phía công an cũng chưa cần sớm vào cuộc để xử lý vụ việc này. Bởi thật ra, hành vi livestream một đoạn ngắn (gần 1/3 thời lượng) của phim là quảng bá hay làm tổn hại cũng cần xác định rõ.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, luật sư - GS-TS Nguyễn Vân Nam đã nhận định về vụ việc này: “Do Luật về quyền tác giả của Việt Nam còn quá sơ sài, chúng ta nên thận trọng khi lên án một hành vi vi phạm quyền tác giả nào đó. Không ít trường hợp người vi phạm thật sự không biết mình vi phạm”.

Đó là chưa kể, việc livestream trong trường hợp này chưa chắc đã gây ra hậu quả thật sự nghiêm trọng như nhà sản xuất đã nói. Bởi đến thời điểm trước khi việc này xảy ra, tiếng vang và doanh thu thật sự của bộ phim Cô Ba Sài Gòn vẫn chưa là cú hích với khán giả. Sau vụ ồn ào do bị livestream, phim trồi hoặc sụt về doanh thu, cũng cần phải chứng minh, làm rõ.

Khi sự việc mới xảy ra, Ngô Thanh Vân từng chia sẻ 2 băn khoăn khi xử lý: “1) Sử dụng biện pháp pháp lý, xử lý triệt để theo khung hình phạt đã quy định nhằm thiết lập một tiền lệ nên có; 2) Xử lý theo hướng cảnh cáo, có tính răn đe. Vì ảnh hưởng không chỉ là một cá nhân mà còn cả gia đình, nhất là mẹ cậu bé” - Ngô Thanh Vân nói.

Rất tiếc là Ngô Thanh Vân đã chọn số 1. Có thể về mặt luật pháp sẽ chưa có gì nặng nề, nhưng sau những buổi làm việc với nhà chức trách để xử lý hậu quả do mình gây ra, T. sẽ chịu nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Vụ livestream 'Cô Ba Sài Gòn': Có nên hình sự hóa?

Vụ livestream 'Cô Ba Sài Gòn': Có nên hình sự hóa?

'Cô Ba Sài Gòn' là phim thứ hai của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị livestream trên mạng xã hội, trước đó là 'Tấm Cám – Chuyện chưa kể'. Và các bộ phim của Ngô Thanh Vân không phải là trường hợp đầu tiên bị hiện tượng này.

Bảo Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm