Bi kịch trẻ vị thành niên bị 'bắt nạt' trên mạng

14/03/2018 07:34 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Tháng 1/2018, nước Úc dậy sóng khi Cô bé Amy Everette (14 tuổi) từng làm người mẫu đại diện cho nhãn hiệu nón Akubra đã tự sát vì bị bắt nạt trên mạng.

Người cha đau khổ đã khuyên những kẻ đã hành hạ con gái ông hãy đến đám tang của Amy Everette, để cảm nhận sâu sắc hơn hậu quả oan nghiệt mà họ đã tạo ra. Sau đó, gia đình Amy Everette đã thực hiện chiến dịch Dolly’s Dream để giúp mọi người nâng cao nhận thức về sự bắt nạt, lo lắng, trầm cảm và tự sát của thanh thiếu niên.

Câu chuyện ấy dường như có một mẫu số chung với câu chuyện của cô nữ sinh H.T.L tại Nghệ An, trong ngày 11/3 vừa qua. Học lớp 11 H.T.L tự tử, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ”.

Chú thích ảnh
Ao nước, nơi tìm thấy thi thể em L. Ảnh: Việt Hùng - Báo Nghệ An

Thi thể em được tìm thấy ở dưới ao. Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của H.T.L được cho là vì sự xuất hiện của một clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp hôn nhau.

Clip ấy (không che mặt) lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là ở một số fanpage và trang thông tin có rất nhiều lượt người theo dõi. Đến chiều tối ngày 11/3, khi các trang mạng này đã gỡ bỏ clip này thì sự việc đã đi quá xa.

Trường hợp như em H.T.L không phải là duy nhất, khi thi thoảng chúng ta lại đọc được trên báo chí những vụ tự tử thương tâm, liên quan đến thế giới ảo mà hậu quả thật.

Vấn đề “bắt nạt trên mạng” - “cyber-bullying” đang ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ. Đấy là hành vi đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm xấu hổ hoặc tra tấn bằng tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử…, lặp đi lặp lại qua thời gian lên một cá nhân.

Trẻ em vị thành niên vốn chưa nhiều năng lực bảo vệ bản thân, dễ trở thành nạn nhân của hành vi này. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng nếu như gia đình không phát hiện, còn bản thân các em cố chôn giấu những ẩn ức đau khổ.
 
Trong chúng ta, tuổi thơ ai từng bị bắt nạt về tinh thần, mới thấu cảm nỗi đau đớn, đau hơn cả bị bắt nạt, hành hạ về thể xác. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng, nói chung là để lại dư chấn nghiêm trọng cho hành trình phát triển nhân cách.

Còn trên phương diện mạng xã hội, các nội dung bắt nạt càng nguy hiểm bởi thường lưu lại rất lâu, tác động, lan tỏa sâu và rộng. Vậy nên, những nạn nhân rất khó thoát ra khỏi khủng hoảng.

Với trường hợp liên quan đến hình ảnh nhạy cảm, đối tượng là người nông thôn, nơi định kiến đạo đức còn khá nặng nề, cả xã, cả huyện biết, thì việc tìm đến giải pháp tiêu cực như tự tử cũng dễ hiểu.

***

Đọc cuốn Tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng dày 252 trang của Hoàng Thùy Linh, có  kể về thời điểm năm 2007, cô bị lộ video "nóng" với bạn trai cũ trên mạng, cũng để lại nhiều điều suy ngẫm. Tên sách được lấy cảm hứng từ câu nói "phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn".  Hoàng Thùy Linh từng nói, nếu cô bị đốt thành tro, cũng muốn đó là một đám tro rực rỡ nhất.

Thời điểm Linh gặp tai  nạn, có thể nhận thấy cô còn có phần “hiền lành”, chưa từng trải nhiều, rất nhiều người lo cô khó đứng vững và trưởng thành. Ai đó có thể bình phẩm đa chiều về nội dung cuốn sách, nhưng, nếu nhìn ở góc độ nghị lực vượt qua cú sốc, không phủ nhận Hoàng Thùy Linh là một “vận động viên cừ”, trong cuộc chiến với các “đối thủ” ở thế giới mạng đầy khốc liệt. Cô chứng minh: Mọi chuyện không phải là chấm hết, còn tính mạng là còn tất cả.

Này các bạn trẻ, nếu bị “bắt nạt trên mạng”, dù đắng đót thế nào cũng xin đừng hủy hoại tính mạng mà bố mẹ đã gian khó hoài thai, nuôi nấng.

Cô bé 14 tuổi xinh đẹp tự tử vì bị bắt nạt triền miên trên mạng

Cô bé 14 tuổi xinh đẹp tự tử vì bị bắt nạt triền miên trên mạng

Cô bé 14 tuổi, từng là gương mặt của Công ty mũ Akubra nổi tiếng Australia, đã tự tử sau chuỗi ngày bị bắt nạt trên mạng.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm