20/01/2021 07:16 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Gần đây, khi đọc các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, có một số bạn đọc đặt câu hỏi là, tại sao trong cùng một văn kiện, có lúc dùng từ “tiên phong” (Thí dụ: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên), có lúc lại dùng từ “tiền phong” (Thí dụ: Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; Tăng cường ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu trong Đảng). Vậy hai từ “tiên phong” và “tiền phong” có gì giống và khác nhau?
“Tiên phong” là một từ Hán Việt có 2 thành tố. “Tiên” có nhiều nét nghĩa, nhưng trong kết hợp này có nét nghĩa là “trước”, “phong” là “mũi nhọn”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học - NXB Đà Nẵng, 2020) giải nghĩa từ này như sau:
TIÊN PHONG 先鋒 t. 1. [đạo quân] Ở vị trí đi đầu để ra mặt trận. Ví dụ: Đội quân tiên phong; chỉ huy yêu cầu chặn mũi tiên phong. 2. Ở vị trí dẫn đầu, hăng hái, tích cực nhất. Ví dụ: Người tiên phong của phong trào; đi tiên phong trong việc đổi mới. Đồng nghĩa với “tiền phong”.
“Tiền phong” cũng là một từ Hán Việt 2 thành tố. “Tiền” có nghĩa là “trước, phía trước, mặt trước”, phong là “mũi nhọn”. Từ này được Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) giải thích:
TIỀN PHONG 前鋒 I t. [cũ] như “tiên phong”. Ví dụ: đi tiền phong. II d. cầu thủ bóng rổ thuộc hàng tiền đạo, khi tiến công thường hoạt động ở bên cánh của sân. Ví dụ: Anh được bố trí chân tiền phong của đội.
Như vậy, “tiền phong” có một nét nghĩa tương đồng với nghĩa 2 của “tiên phong”. Chúng hoàn toàn có thể hoán vị, thay thế cho nhau. Còn cách dùng có thể tùy hoàn cảnh, có thể tạo nên một ngữ điệu hơi khác nhưng ngữ nghĩa không thay đổi. Ta vẫn có thể nói: “Dân tộc anh hùng, giai cấp tiên phong” hoặc “Dân tộc anh hùng, giai cấp tiền phong”; “Phát huy vai trò đội quân tiên phong của Đảng” hay “Phát huy vai trò đội quân tiền phong của Đảng” v.v... Tuy nhiên, như từ điển đã thống kê, “tiền phong” là biến thể cũ. Hiện nay ít dùng hơn “tiên phong”.
Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, chỉ sử dụng từ “tiên phong” (không thấy từ “tiền phong”). Từ này đã được sử dụng trong 5 trường hợp:
1) Nhận thức sâu sắc hơn bản chất, tính cách mạng, tính tiên phong của Đảng; vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng (mục I, 2);
2) Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân (mục XI);
3) Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. (mục XIV, 1);
4) Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. (mục XIV, 1);
5) Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. (mục XIV, 5).
Như vậy, văn kiện Đảng lần này đã có sự thống nhất, chỉ dùng một từ “tiên phong” trong các phần diễn đạt với ý, chỉ “sự dẫn đầu, đi đầu” của một đội ngũ, một lực lượng nào đó trong các hoạt động của Đảng nói chung.
PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất