10/02/2016 20:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Những ngày cuối năm cũ, nếu như ở phía Bắc, người dân tất bật chống cái lạnh tự nhiên thì ở Sài Gòn, một cơn lạnh khác ùa về: cơn lạnh tình người. Quầy bánh mì miễn phí vốn được coi là “đặc sản” Sài Gòn đột nhiên trở thành tâm điểm tranh cãi trong tuần qua. Cụ thể, sau khi một tờ báo đưa clip với tiêu đề “Nhiều người lạm dụng thùng bánh mì từ thiện ở Sài Gòn”.
Theo người sản xuất thông tin này, quầy bánh mì miễn phí đang bị những người không quá khó khăn (không phải đối tượng những người làm từ thiện hướng đến) thường xuyên tới “ăn sáng miễn phí”. Lập tức, cuộc tranh cãi về từ thiện và giá trị của từ thiện lại được nổ ra. Lại câu chuyện “lòng tốt bị lợi dụng”; lại “con cá, cần câu” rồi cả những phán xét “giúp đỡ như vậy thà không giúp đỡ còn hơn!”...Cơn lạnh từ câu chuyện Sài Gòn chỉ tan giá khi chủ quầy bánh mì lên tiếng: Mỗi người có riêng họ một câu chuyện nhọc nhằn mà không phải ai cũng biết. Ngay cả chúng ta còn có những nhọc nhằn, lo toan riêng mình mỗi khi Tết tới Xuân về.
Sài Gòn là nơi thập phương tứ xứ dân về lập nghiệp, Tết về, người phố thị lo một người quê có khi lo hai ba. Có thể bớt hẹp hòi không? Một ổ bánh mì dằn bụng qua bữa mà tiết kiệm được vài chục ngàn một bữa ăn, được đồng nào hay đồng đó… Bớt soi mói, bớt khắt khe một chút đời vui hơn nhiều lắm.
Cũng trong những ngày qua, cái lạnh diệu vợi phần nào bởi câu chuyện bà Nguyễn Thanh Thúy, thí sinh sinh năm 1957 tại Lâm Đồng tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Hiện, bà Thúy đang ở cùng người em gái 50 tuổi trên một quả đồi không điện, không nước, không thiết bị liên lạc.
Công việc của bà hàng ngày là làm vườn và bấm huyệt, chữa bệnh từ thiện cho trẻ khuyết tật. Khi các giám khảo bày tỏ niềm thương cảm với bà Thúy về đời sống khó khăn, bà Thúy vui vẻ đáp: “Không sao đâu, bình tĩnh sống!”. Câu nói sau đó thành từ khóa hấp dẫn nhiều người.
“Bình tĩnh sống”, câu nói bột phát của bà Thúy khiến người ta suy tưởng nhiều điều trong nhịp sống công nghiệp mỗi lúc một hối hả. Giá thử, chúng ta bình tĩnh đón nhận những điều bất thường (từ những yếu tố khách quan như thời tiết tới những yếu tố chủ quan như hành động, nghĩa cử của đồng loại), có lẽ, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Theo số liệu thống kê, Tết Ất Mùi vừa rồi, cả nước có hơn 800 ca tử vong do tai nạn giao thông. Phần lớn đều liên quan tới bia rượu. Những ngày Tết đang trôi qua, mong sao, Tết năm nay mọi người bình tĩnh uống, bình tĩnh quyết định lựa chọn phương tiện tham gia giao thông, bình tĩnh đi lại…
Cũng sau mỗi dịp Tết, những phóng sự ảnh thắt lòng về những bãi rác ngập giò lụa, thịt gà… Nghĩ về câu chuyện bình tĩnh gieo việc thiện ở Sài Gòn, bình tĩnh sống của cụ bà Lâm Đồng mà thấy có những sự hối hả rất bất ổn.
Năm nào cũng như năm nào, cứ sau Tết là phóng viên ra bãi rác thực hiện đề tài. Độc giả vào than trách, lên án rồi năm sau lại như vậy. Bình tĩnh mua hàng, bình tĩnh nghĩ về giá trị của lương thực, thực phẩm có lẽ là điều nên làm.
Tết cũng là khởi đầu của mùa lễ hội. Những năm qua, muôn vàn kiểu du hội gây nhức nhối cộng đồng: đánh nhau để lấy hoa tre đền Sóc, đạp nhau để có ấn đền Trần, chen nhau cúng gà ở lễ hội chùa Hương… Bình tĩnh du xuân, bình tĩnh thâu nạp tri thức về lễ hội trước khi tham gia cũng là điều cần lắm.
Bình tĩnh sống, bình tĩnh đón Tết có lẽ là điều chúng ta nên cầu ước trong mùa Xuân này.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất