12/09/2020 07:07 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Sau một thời gian ngắn thử nghiệm, “dạo chơi” với áo dài ngũ thân cùng với sự động viên, khích lệ từ lãnh đạo tỉnh đến giới chuyên môn, đầu tháng 9 vừa qua, cán bộ, nhân viên Sở VHTT Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài làm lễ chào cờ, sau đó làm việc.
Được biết họ còn dự định, sẽ thành thông lệ cứ thứ Hai đầu tháng tất cả cán bộ, nhân viên nam, nữ của Sở lại “diện” áo dài truyền thống đi làm. Những động thái rất đáng trân trọng đó của họ ngay lập tức đã vấp phải những ý kiến trái chiều, trong đó còn cho rằng “tốn kém” và “không phù hợp”. Thậm chí có tờ báo còn mở cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc về chủ trương này, bước đầu nhận được kết quả gần như 50/50…
Trước những luồng dư luận đó, Văn Hoá đã có cuộc trao đổi cởi mở với người đề xướng, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế. Ông Hải nói ngay: “Tôi không ngại bất cứ câu hỏi nào về câu chuyện này. Tôi cũng đã đoán trước sẽ có những ý kiến này khác, nhưng suy cho cùng, làm cái gì mới hay là “tiên phong” thường sẽ như vậy. Mình phải chấp nhận để cách làm được tốt hơn”.
* Ông có buồn khi đang có những luồng dư luận vừa thuận vừa trái chiều, mà nói thật là ít ý kiến ủng hộ về chủ trương này của Sở không?
- Những ý kiến trái chiều trên dư luận chúng tôi cũng đã nắm được, và cũng có chút chạnh lòng. Tuy nhiên, Sở VHTT Thừa Thiên Huế sẽ kiên định mục tiêu thực hiện đề án Huế- Kinh đô áo dài VN. Đây là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm phục hưng một truyền thống văn hóa, một di sản của cố đô Huế mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ phát triển. Chúng tôi xem đây là một hành động đúng đắn và thiết thực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà mục tiêu là xây dựng Cố đô Huế thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc vùng đất Huế.
Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự phản ứng của dư luận và cộng đồng để có những điều chỉnh cho phù hợp. Sở VHTT trân trọng và lắng nghe tất cả các ý kiến phản hồi, đặc biệt là các ý kiến mang tinh thần đóng góp, xây dựng, từ đó chủ trương này được triển khai tốt hơn.
* Vậy lãnh đạo tỉnh có ý kiến gì về chủ trương này của Sở, và có ủng hộ việc làm này của Sở không, thưa ông?
- Nhìn chung, lãnh đạo tỉnh không chỉ ủng hộ chúng tôi mà còn luôn luôn sát cánh để có sự chỉ đạo kịp thời, giúp Sở có sự triển khai thực hiện đề án này một cách đúng đắn, phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ là người rất hiểu và sâu sát trong vấn đề này, và đã tham dự, chủ trì hội thảo khoa học “Huế- Kinh đô áo dài Việt Nam” do Sở VHTT chủ trì tổ chức ngày 8.7 vừa qua và đến nay vẫn luôn quan tâm chỉ đạo chúng tôi có những bước triển khai phù hợp. Chủ tịch tỉnh cũng tiên phong trong việc nêu gương, mặc áo dài ngũ thân truyền thống trong các nghi thức ngoại giao, góp phần xây dựng hình ảnh rất đẹp và độc đáo về cố đô Huế, quê hương của áo dài ngũ thân.
UBND tỉnh cũng nhất trí giao cho Sở VHTT chủ trì triển khai chương trình Huế - Ngày hội áo dài, dự kiến sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19 sẽ tổ chức. Dự kiến chương trình này sẽ kéo dài trong một tuần với nhiều hoạt động phong phú và đỉnh cao sẽ là ngày toàn thể nhân dân Thừa Thiên Huế mặc áo dài.
* Xin hỏi thật ông, ông có chùn bước khi vấp phải ý kiến trái chiều không?
- Cá nhân tôi cũng xin nói thật là, Sở VHTT sẽ không chùn bước trước các ý kiến trái chiều, chúng tôi chỉ tiếp thu để điều chỉnh những gì chưa phù hợp mà thôi. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, khi đi tiên phong thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu kiên định thực hiện với giải pháp đúng thì sẽ thành công. Kinh nghiệm từ quá trình phục hưng áo dài nữ và đưa áo dài nữ vào công sở, học đường khiến chúng tôi càng tự tin hơn vào thành công của mình.
* Liệu đây có phải là bước đi thận trọng và cũng là “tiên phong” cho việc quảng bá áo dài ngũ thân nam giới hướng đến việc xây dựng kinh đô áo dài không, thưa ông?
- Đúng vậy, đây chỉ mới là những bước đi đầu tiên trong việc quảng bá và phục hưng áo dài truyền thống Huế, trong đó trọng tâm là chiếc áo dài ngũ thân nam. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở áo dài ngũ thân nam, chúng tôi mong muốn phục hồi và phát triển thương hiệu Huế - kinh đô áo dài Việt Nam, để trong tương lai đây sẽ là thương hiệu đặc trưng của Huế, một thương hiệu không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, di sản mà còn có ý nghĩa rất to lớn về mặt du lịch, dịch vụ.
* Những bước đi tiếp theo của Sở là gì?
- Như trên đã nói, Sở VHTT đang triển khai thực hiện Đề án Huế - kinh đô áo dài Việt Nam, là một đề án triển khai trong nhiều năm. Sau khi tổ chức hội thảo khoa học vào tháng 7 vừa qua để tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài và đông đảo cộng đồng, Sở đang biên soạn một số ấn phẩm, đồng thời phối hợp với một số đơn vị truyền thông để tăng cường quảng bá nội dung đề án.
Sở cũng bắt đầu thực hiện thí điểm việc mặc áo dài trong khối văn phòng (áp dụng vào ngày thứ Hai đầu tháng, kết hợp lễ chào cờ, giao ban). Chúng tôi hy vọng từ đây sẽ có sự lan tỏa rộng rãi sang các ngành, đơn vị khác và ra cộng đồng, và cũng như đối với việc mặc áo dài nữ trước đây, sẽ có sự lan tỏa ra toàn xã hội, dần dần được cộng đồng chấp nhận và tự nguyện thực hiện.
Chúng tôi cũng dự kiến sẽ tổ chức chương trình Huế - Ngày hội áo dài kết hợp với lễ hội ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác trong dịp cuối năm nay. Và trên cơ sở tổng kết các kinh nghiệm các hoạt động trên để triển khai các bước tiếp theo trong năm tới.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
* Cá nhân tôi cũng xin nói thật là, Sở VHTT sẽ không chùn bước trước các ý kiến trái chiều, chúng tôi chỉ tiếp thu để điều chỉnh những gì chưa phù hợp mà thôi. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, khi đi tiên phong thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu kiên định thực hiện với giải pháp đúng thì sẽ thành công. Kinh nghiệm từ quá trình phục hưng áo dài nữ và đưa áo dài nữ vào công sở, học đường khiến chúng tôi càng tự tin hơn vào thành công của mình. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế * Tại sao ta lại không thể? Qua theo dõi trên dư luận báo chí tôi nhận thấy phần lớn là đồng thuận nhưng cũng có những ý kiến còn băn khăn về chủ trương này của Sở VHTT Thừa Thiên Huế. Điều đó chứng tỏ dư luận xã hội rất quan tâm theo chiều hướng tích cực. Ở góc độ cá nhân, tôi rất tán thành và ủng hộ sự khởi xướng này của những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa ở Huế. Chúng ta hãy nhìn sang nhiều quốc gia khác, họ cũng luôn vận trên mình trang phục truyền thống trong những lễ nghi mang tính quốc gia. Đó là cách trân trọng, giữ gìn văn hóa truyền thống trong trang phục hay còn gọi lễ phục của họ, tại sao chúng ta lại không thể. Đặt vấn đề như vậy để chúng ta nhìn nhận chủ trương của Sở VHTT Thừa Thiên Huế một cách nghiêm túc hơn theo hướng, những góp ý cần mang tính xây dựng nhằm làm cho sự khởi đầu này từng bước được phát huy và phù hợp trong từng bối cảnh của nó. Để góp ý tôi đề nghị không nên gắn thẻ bài có in chữ Hán vì như thế sẽ rất khiên cưỡng. Lãnh đạo Sở VHTT cũng nên tham khảo giới thời trang để họ góp ý thêm sao cho trang phục truyền thống này thật sự phù hợp hơn, và tăng thêm sự tiện ích, ví như mặc như vậy thì để điện thoại ở đâu chẳng hạn. Vừa làm, vừa tiếp thu, điều chỉnh chứ không nên nản mà từ bỏ nó. Nhà sử học Dương Trung Quốc * Trước hết đó là những hình ảnh rất đẹp và lạ. Tôi hoàn toàn ủng hộ khi họ đã tiên phong triển khai việc đưa áo dài, đặc biệt là áo dài nam vào hoạt động công sở. Huế là địa danh nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, và đặc biệt hình ảnh áo dài Huế đã trở thành một thương hiệu có sức thu hút. Cứ hình dung buổi sáng mọi người đi làm trong những tà áo dài, dù nam hay nữ đều tạo nên hiệu ứng thú vị. Huế là vùng đất có nguồn thu lớn từ du lịch, việc làm này nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sức lan tỏa để thu hút du khách. Tất nhiên, đã là tiên phong thì sẽ tạo sự tò mò và cả những tranh luận. Nhưng như tôi đã nói, hình ảnh đẹp, vì sao lại phản đối? Thực tế luôn có nhiều quan điểm khác nhau. Nam giới mặc áo dài hiện nay là số ít, nhất là áo dài ngũ thân. Khi chưa quen với những thay đổi khác biệt thì sẽ có nhiều tranh cãi, về hình ảnh, chất liệu và bối cảnh xuất hiện. Tôi nghĩ rằng những lý do vướng víu hay bất tiện... đều chỉ vì người ta chưa quen. Ví như việc đội mũ bảo hiểm hay đeo khẩu trang phòng chống Covid..., dần dần cũng đã trở thành thói quen, nhưng mới đầu không phải không có phản ứng. Thế nên, chuyện đàn ông không muốn mặc áo dài thì cũng sẽ có nhiều lý do đưa ra. Nhưng điều chúng ta cần nhìn nhận ở đây là việc công chức Huế mặc áo dài sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực gì? Nhìn ở góc độ người quản lý, đây là việc làm để quảng bá rộng rãi áo dài, một lần nữa khẳng định thương hiệu áo dài xứ Huế vốn đã đi vào thơ ca nhạc họa. Câu chuyện văn hóa Huế sẽ được kể đa dạng hơn, thu hút hơn, giúp du lịch Huế đi lên, thu hút du khách và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân… Tất nhiên vì chưa quen nên nhiều người mới áp cho áo dài nam những thứ bất tiện ấy. Bên Ấn Độ, nam giới vẫn thường xuyên mặc áo dài. Tôi tin nếu Huế làm được dự án này thành công thì sẽ tạo nên những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, ấn tượng. Áo dài nữ đã trở thành trang phục không thể thiếu trong văn hóa Việt thì áo dài nam cũng vậy. Khi tôi mang áo dài ra nước ngoài, khách quốc tế luôn gọi tên áo dài Việt Nam. Đó là thương hiệu của người Việt mà chúng ta đều phải chung tay gìn giữ. Cá nhân tôi suy nghĩ đây là hướng đi đúng, tuy nhiên cũng có thể cân nhắc sử dụng những bộ áo dài có cải tiến cho phù hợp với bối cảnh hiện đại. Tôi sẵn sàng đưa ra những thiết kế lấy ý tưởng từ áo dài ngũ thân nhưng có thay đổi, hiện đại hơn để tặng TP Huế. Từ hướng đi này sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo thêm công ăn việc làm, giúp kinh tế phát triển. Huế là cái nôi về văn hóa, có nhiều lễ hội trình diễn áo dài, vì thế đây sẽ là dự án để những nét truyền thống đó tiếp tục lan tỏa. Với bản sắc đặc thù, đây là hướng đi riêng để Huế vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo thêm sức thu hút để phát triển du lịch. Tôi cho rằng đó là một hướng đi có tầm nhìn, tạo động lực phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống, đặc biệt khi Huế và cả nước vừa trải qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid- 19 NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam |
NHÂN NGHĨA -LÂM SƠN/Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất