Cuộc chiến 'bỏ Tết' - Bài 2: Cứ tranh cãi và... cứ để đấy

10/02/2018 12:38 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Ít người biết, cách đây 15 năm, một GS có uy tín đã từng đề xuất ăn Tết… 3 năm một lần, mỗi lần cộng dồn ngày nghỉ của cả 3 năm để có “một cái Tết cho ra Tết.”

Câu chuyện này từng được nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ. Theo lời ông, đề xuất ấy đến từ một GS về dinh dưỡng học, cũng là người rất có uy tín và cũng rất băn khoăn trước việc ngày Tết ảnh hưởng mạnh tới nếp sống trong xã hội và hoạt động kinh tế.

Đề xuất ấy, dù được giải thích bằng lý do “chơi cho ra chơi” và “làm cho ra làm”, tất nhiên sẽ không bao giờ thành hiện thực và sau đó rơi tõm vào im lặng. Đơn giản, nó quá xa lạ so với tâm thức chung của cộng đồng.

Trong tâm thức chung ấy, Tết Nguyên đán đã trở thành một phần đặc biệt trong đời sống của người Việt. Và, khi gắn với những câu chuyện đặc biệt như hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, rõ ràng nó đã được “thiêng hóa” và gần như bất khả xâm phạm.

Bởi thế, không có gì lạ khi mới nghe 2 chữ “bỏ Tết”, rất nhiều độc giả đã mất bình tĩnh và dành những lời nặng nề cho GS Võ Tòng Xuân (và những người ủng hộ ông) mà không thèm tìm hiểu thêm về tính chất “ăn Tết ta theo lịch Tây” của ông.

Chú thích ảnh
Ngày Tết tại đô thị Việt Nam

Và, ý thực được điều ấy, gần như tất cả các ý kiến đề xuất thay đổi cách ăn Tết cũng đều nhắc tới việc thực hiện điều này từng bước và “có lộ trình”. Cho dù, cũng chưa chuyên gia nào phân tích được rằng lộ trình ấy nên diễn ra trong bao lâu, để đủ thời gian cho 100% người dân Việt Nam quen với cách ăn Tết theo lịch mới.

Mà thẳng thắn, có lẽ cũng không chuyên gia nào đủ sức đưa ra một cột mốc thời gian cho lộ trình ấy. Thậm chí, có trường hợp như TS kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dù rất ủng hộ việc ăn Tết theo lịch “Tây”, nhưng lại cho rằng sự thay đổi này ít nhất chưa thể áp dụng trong… 10 năm tới đây.

Như lý giải của GS Trần Lâm Biền, Nguyên đán gắn với cả chu trình thời gian khép kín liên quan đến cổ truyền và nền kinh tế nông nghiệp. Và, khi còn tới hơn 50% người dân Việt Nam sống ở làng quê, gắn bó với nông vụ, rất khó để người ta thay đổi những gì đã in vào tâm thức.

Cuộc chiến 'bỏ Tết' - Bài 1: Vì sao, cứ đến Tết là đòi... bỏ?

Cuộc chiến 'bỏ Tết' - Bài 1: Vì sao, cứ đến Tết là đòi... bỏ?

Thực tế, chỉ chục năm trước, nếu nhắc tới giả thiết đặc biệt rằng Ngày Tết Nguyên Đán sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam, hẳn rất nhiều độc giả sẽ bật cười.

“Nghe qua thì đơn giản, câu chuyện chỉ là “đẩy” thời gian ăn Tết lên chừng một tháng, tháng rưỡi. Nhưng, không phải cứ muốn vậy là làm ngay được” – ông nói – “Bất cứ cái gì thay đổi theo lối áp đặt bao giờ cũng gặp phải phản ứng gay gắt từ dư luận, nhất là ở những khái niệm liên quan tới bản sắc dân tộc”.

***

Thực chất, theo chân người Pháp, Tết dương lịch mới vào Việt Nam được hơn một thế kỷ. Và trong một thời gian rất dài, khi chúng ta chưa hội nhập, cái Tết ấy vẫn chỉ được coi là ngày nghỉ của những công chức nhà nước – trong khi Tết âm lịch mới là “Tết chính” không chỉ của nông dân mà ngay cả với một lượng lớn thị dân vốn có những mối quan hệ rất bền chặt với gốc gác của mình.

Bởi thế, khi sự phát triển của xã hội tạo ra khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa truyền thống và hiện đại, câu chuyện thay đổi cách ăn Tết được đặt ra như một điều tất yếu. Nhưng, đó cũng chỉ là một điểm mở đầu cho một cuộc tranh luận còn rất dài, khi những tập quán, thói quen, lễ tục xuất phát từ đời sống nông nghiệp vẫn còn có sức chi phối tuyệt đối với chúng ta.

Chú thích ảnh
Với 50% cư dân sống ở nông thôn, việc thay đổi
lịch ăn Tết nguyên đán không dễ được đồng thuận

  Phong tục “Tết âm lịch” của người Việt quan trọng, bởi nó là kết tinh của những vấn đề về tinh thần, về tín ngưỡng, về tập quán, và phần nào là bản sắc văn hóa của người Việt. Phong tục ấy có thể không phải là bất biến, nhưng sự biến đổi, nếu có, của nó chỉ có thể hợp lý khi bảo tồn được những hạt nhân giá trị của mình.

Dù tranh cãi, chúng ta đều hiểu, việc thay đổi “Tết nguyên đán” chỉ có thể diễn ra khi nền tảng xã hội phát triển ở một mức độ khác, với những thay đổi từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Và, đó không thể là câu chuyện của một sớm một chiều.

Bởi thế, hãy cứ tranh luận, nhưng hãy nghĩ thêm tới một câu hỏi khác trong khi chờ … con cháu chúng ta hay đổi lịch ăn Tết nguyên đán. Đó là câu hỏi về cách ăn Tết truyền thống sao cho hợp lý, có văn hóa và tránh đi những phức tạp, nề hà vốn không hẳn đã có trong bản chất của nó.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm