31/10/2016 08:10 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Cái tựa bài này nghe có vẻ… ngớ ngẩn. Mỗi cá nhân chúng ta chả sống là mình thì sống là ma nào?
Nhưng than ôi, đâu dễ thế!
Không tin cứ nhìn lớp trẻ. Trang điểm thì muốn giống Hàn Quốc, mặt thì muốn giống Hồ Ngọc Hà, cười thì bắt chước Trấn Thành, mua đồ hiệu đu theo Đàm Vĩnh Hưng, lên mạng theo kiểu Lệ Rơi hoặc Tùng Sơn, công chúa Thủy Tề.
Lớp già cũng không khá hơn bao nhiêu. Đa số cứ nhắm mắt nhắm mũi vì con cháu, sống cho hàng xóm, cho thiên hạ khỏi chê cười. Khối ông khối bà kể cả có tiền muốn ăn cũng không dám ăn, mặc không dám mặc, còn chơi thì tất nhiên càng không dám chơi, mặc dù nhìn những ngày tháng đang trôi qua mà tiếc đứt ruột!
Đạo diễn Lê Hoàng
“Ăn trông nồi ngồi trông hướng” nghe thì có vẻ rất hay, nhưng khi triển khai thường biến thành “ăn theo thiên hạ, ngồi chỗ kín đáo, đi thật nhẹ nhàng và ăn nằm lén lút”.
Điện ảnh hài na ná giống nhau, kịch mới xem đoạn đầu khán giả đã biết ngay đoạn cuối. Âm nhạc toàn tan vỡ chia lìa, rất ít khi có một câu kiểu như “và em muốn thét lên cho thỏa nỗi nhớ”.
Nhìn ra vĩ mô, cái bệnh đều đều, cái bệnh chỗ nào cũng thế, mênh mông như biển, bao la hơn cả trời xanh.
Có hàng ngàn kiểu định nghĩa về một quốc gia phát triển. Nào căn cứ vào GDP, nào xem xét thu nhập đầu người, nào coi dự trữ ngoại tệ. Nhưng theo Lê Hoàng, có một cách rất chính xác là xem mỗi công dân của một quốc gia đó sống thật với mình mỗi ngày bao nhiêu tiếng đồng hồ.
Có nhiều kiểu định nghĩa thiên tài. Nhưng giờ đây chắc ai cũng hiểu ra, thiên tài phải có tố chất căn bản là hoàn toàn khác biệt. Thiên tài không phải xi nê, không có tập hai; không phải y học, không có sinh đôi; càng không phải máy photocopy, không có bản sao. Nếu như Einstein, Bill Gates và Newton làm cả thế giới tiến lên thì hai Einstein, hai Newton hoặc vô số Bill Gates có khả năng làm hành tinh nổi loạn.
Cổ nhân từ ngàn xưa đã có câu: “Bất độc bất anh hùng”. Độc này không phải độc dược, mà là độc đáo. Mà cách duy nhất để “độc”, là…không giống người khác, không là người khác. Vậy chỉ là chính mình.
Thế mà khối người nếu được hỏi đã “chính mình” chưa, thì ú ớ đấy.
Ngay từ bé trẻ con đã được dạy ở nhà thì xin phép cha mẹ, đến trường xin phép thầy cô, ra đường xin phép xe cộ, còn suy nghĩ thì xin phép sách giáo khoa. Ý kiến bản thân phải quên đi hoặc phải hỏi sau cùng. Thiên hạ yên chí thế là “đúng qui trình”, thử hỏi lấy đâu ra những ngẫu hứng, táo bạo, cá tính, riêng biệt và độc đáo chứ?
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất