04/01/2015 10:32 GMT+7
Năm 2013, với bản dịch độc lập Lolita (không bản quyền, không cộng tác với một đơn vị xuất bản nào) chỉ vì không đồng tình với bản dịch có sẵn, Thiên Lương gây tò mò trên văn đàn. Trong suốt một năm qua, dịch giả này vẫn tiếp tục theo đuổi công việc phản biện các lỗi dịch thuật trong những bản dịch tiếng Việt của một số kiệt tác văn chương thế giới. Thiên Lương từng học ngành Điều khiển học tại Nga, thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga.
* Dựa theo những bản dịch cụ thể đã đọc và so sánh, anh nhận xét thế nào về chất lượng dịch thuật các kiệt tác thế giới khi được đưa đến Việt Nam?
- Tôi thấy rất ít bản dịch ở Việt Nam chạm đến được cái đẹp của nguyên bản. Tuy nhiên, để đánh giá nghiêm túc một bản dịch thì chỉ có một cách duy nhất là đối chiếu chúng với bản gốc, và tôi thật sự thất vọng với bản dịch Lolita của Dương Tường do nó quá khác biệt so với nguyên bản tiếng Anh của Vladimir Nabokov. Lolita là tác phẩm đứng đầu trong hàng loạt bình chọn tiểu thuyết hay nhất của nhân loại, và thật đáng tiếc nếu nó không được dịch thật tốt qua tiếng Việt.
Các bản dịch khác mà tôi có đối chiếu cũng sai lệch rất nhiều, có thể nói là khác biệt ở mức khó chấp nhận.
* Các bản dịch như vậy có tác động ra sao đến tiếp nhận và trình độ của độc giả Việt Nam về lâu dài?
- Các bản dịch kém tác động xấu đến độc giả. Có thể độc giả sẽ nghĩ, tại sao một nhà văn nghe nói là vĩ đại đến thế mà lại viết rất bình thường, thậm chí ngô nghê như thế này, tại sao một kiệt tác được hàng chục triệu người đọc, mà lại bình thường, thậm chí sai lung tung thế này. Rồi họ sẽ mất dần thói quen đọc các bản dịch, và tác hại ấy rất lâu dài. Nếu bản dịch sai thuộc về các lĩnh vực như y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị, thì tác hại còn khủng khiếp hơn nữa.
Đừng đánh giá thấp các lỗi dịch, đừng nghĩ rằng dịch sai đôi chút cũng không sao, miễn là hay. Có những lỗi dịch làm thay đổi toàn bộ tác phẩm, làm người đọc hiểu sai hoàn toàn. Có những lỗi dịch làm độc giả hoang mang, không biết tác giả là loại nhà văn nào mà viết kém thế. Mặc dù có thể cho bạn thấy hàng ngàn ví dụ như vậy, nhưng trong khuôn khổ của một bài phỏng vấn, tôi sẽ đưa ra một lỗi cực kỳ dễ hiểu với hầu hết bạn đọc có biết tiếng Anh sơ cấp, nhưng lại sai nghiêm trọng. Nó ở trang 261, bản dịch Lolita của Nhã Nam: “Miss Pratt nói, khua hai bàn tay lốm đốm vết men gan để minh họa”, và “hai bàn tay lốm đốm vết men gan” này, theo Nabokov viết bằng tiếng Anh, là liver-spotted hands, nghĩa là bàn tay của người già bị lốm đốm vết đồi mồi mà thôi. Kiểu dịch này chắc hẳn làm cho độc giả hoài nghi vào trình độ của một nhà văn thiên tài như Vladimir Nabokov.
* Dịch giả Đoàn Tử Huyến nói: “Hiện nay, yêu cầu về chất lượng dịch văn học không còn như cách đây mấy chục năm nên dịch giả cũng không thể dịch giống như trước”. Anh nghĩ sao?
- Tôi đồng ý. Ngày xưa, rất ít người có khả năng có được bản gốc, và lại càng hiếm ai đọc nổi bản gốc các tác phẩm văn chương nước ngoài, cho nên dịch giả dịch sao cũng được. Độc giả ngày nay đã khác.
* Thay đổi đó nói lên điều gì về sự khác biệt giữa các thế hệ dịch giả?
- Dịch giả ngày nay có người bạn trung thành và người thầy vĩ đại là Internet, nên họ có cơ hội để dịch tốt hơn rất nhiều so với các dịch giả thế hệ trước. Ngoài ra, chúng ta đang có hàng chục ngàn bạn trẻ sống và học tập ở nước ngoài, họ giỏi ngoại ngữ hơn rất nhiều dịch giả tự học. Ngày nay, những kiến thức tích lũy được sau năm tháng đã không còn ý nghĩa gì nhiều, quan trọng là năng lực nhận thức mối liên hệ tiềm ẩn giữa các sự vật hiện tượng (theo Vaclav Havel). Kiến thức nằm khắp nơi trên Internet, vấn đề là bạn có khả năng “đọc” được nó hay không.
* Có 2 quan điểm đối lập về dịch thuật: có người yêu cầu rất chặt chẽ về độ chính xác so với bản gốc; có người cho rằng chỉ cần giữ được “cái hồn” hay “cái thần” của tác giả tác phẩm, đúng sai có thể châm chước. Quan điểm của anh ra sao?
- Tôi nghĩ trên đời này chẳng ai dám nói là mình hiểu cái thần, cái hồn của các vĩ nhân, và cũng không có ai có tư cách nói như vậy. Và tôi cho rằng các tác giả cũng sẽ rất phẫn nộ (nếu họ còn có thể phẫn nộ) khi nghe thấy một ông dịch giả nào đó tuyên bố rằng bản dịch của ông ta tuy sai lung tung nhưng nắm được “cái hồn”, “cái thần” của tác giả! Nabokov từng phản đối kịch liệt quan điểm dịch méo mó bịa đặt kiểu đó.
Đừng coi thường độc giả, và đừng ngụy biện, đánh tráo một thứ có thể cân đong đo đếm, có thể định lượng là “dịch đúng”, qua một thứ chỉ có thể định tính, rất mông lung, là “dịch hay”. Quan điểm “dịch sai cũng được” ấy nếu còn được độc giả dung túng thì sẽ còn kéo dịch thuật Việt Nam tụt hậu nhiều năm. Tôi thấy đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế vào công việc dịch thuật. Phải xác định rõ tiêu chuẩn với bản dịch, và phải minh bạch các tiêu chuẩn về lỗi cơ học, tức là sai kiểu “đen” dịch thành “trắng”. Số lỗi vượt quá tiêu chuẩn là nhà sách phải thu hồi, chứ không thể để tình trạng dịch ẩu như thế này kéo dài mãi. Theo tôi, tối đa số lỗi nên là 0,5%, nghĩa là 200 chữ được sai 1. Và trong giai đoạn hỗn loạn này, có thể các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp sâu hơn vào thị trường sách dịch.
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất