13/04/2018 07:20 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Mấy ngày trước, một học sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã nhảy lầu tự tử tại trường với 2 lá thư tuyệt mệnh. Trong thư gởi gia đình có đoạn: “Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má”. Theo nhà trường thì: “Em C. có thành tích học tập rất tốt, điểm trung bình học kỳ một là 8,9”. Vậy mà bi kịch vẫn xảy ra.
Nhiều nước đang xem nền giáo dục của họ là một “cỗ máy” lạnh lùng, vì nó hoàn chỉnh một cách máy móc, suốt ngày cứ chạy rầm rập, quản lý bằng kỷ luật và công nghệ. Mà máy móc thì chấp nhận cả chuyện tiêu tốn nhiên liệu, khấu hao kỹ thuật, thậm chí cả các tai nạn mà nó gây ra. Và học sinh trở thành một “bộ phận thiết yếu” của cỗ máy đó…
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới nhận định rằng khi nền giáo dục mà số học sinh bị tâm thần và tự tử bằt đầu năm sau nhiều hơn năm trước thì cỗ máy ấy đã hoạt động quá… “hiệu quả”.
Nhật Bản và Hàn Quốc - bây giờ là Trung Quốc - là những ví dụ điển hình tại châu Á về các cỗ máy giáo dục. Chính thành tích học tập từ các cỗ máy này đã giúp họ nhanh chóng phát triển. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc lại có số thanh niên và người đi học tự tử nhiều nhất thế giới.
Kể từ năm 2014, tự tử đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người từ 10 đến 24 tuổi ở Nhật Bản. Và đáng lo hơn, khi tỷ lệ tự tử ở trẻ em vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi tỷ lệ tự tử diện rộng thì đang giảm dần. Mỗi năm Nhật Bản có khoảng 4.600 ca tử vong và 157.000 trường hợp nhập viện vì tự tử, gây thương tích.
Hàn Quốc cũng thuộc nước có tỷ lệ tự tử cao bất thường ở học sinh, sinh viên. Theo tổ chức NPR thì các lớp học tại Hàn Quốc thường có 14 giờ học mỗi ngày, nghĩa là họ chỉ còn lại 10 giờ để ngủ, ăn, vệ sinh và làm những gì họ muốn. Còn theo AnonHQ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ tư ở nước này, với trung bình mỗi ngày có đến 40 người tự tử.
Năm 2012 Hàn Quốc có 139 học sinh - sinh viên tự tử. “Nhìn chung, việc sợ cha mẹ thất vọng và cảm giác học thua bạn bè là những nguyên nhân chính của các vụ tự tử ở học sinh, sinh viên” - AnonHQ nhận định.
Đa số các gia đình thường muốn con cháu mình học giỏi nhất, nhưng có một thực tế ít người muốn nhìn nhận, đó là mọi người không có năng khiếu và chỉ số thông minh như nhau. Nên luôn luôn có vài người giỏi hơn và đa số kém hơn, y như thi chạy đường trường, chỉ có vài người dẫn đầu.
Đa số muốn con cháu học tập chăm chỉ ở trường trung học để vào một trường đại học tốt. Họ cũng lờ đi thực lực của người học, và cũng lờ đi khía cạnh nhiều người sống hạnh phúc, no ấm bằng nhiều nghề tử tế khác, mà không cần phải “sống chết” để vào cho được đại học.
Nhìn chung thì cỗ máy giáo dục chuyên nghiệp sẽ tạo ra được nguồn nhân lực đồng bộ, sẽ giúp đất nước phát triển nhanh. Những người theo chủ nghĩa yếm thế còn cho rằng việc các học sinh, sinh viên tự tử cũng giống như “khấu hao bắt buộc” của cỗ máy giáo dục đó. Vậy thì tự mỗi gia đình phải bình tâm để nhìn nhận con cháu mình có phải “bộ phận thiết yếu” của cỗ máy ấy không, nếu không phải mà cứ ép buộc thì trầm cảm, tự tử dễ xảy ra.
Nhìn rộng hơn, theo một báo cáo của Liên Hiệp quốc năm 2014, cứ 40 giây thì trên thế giới có 1 vụ tự tử, bình quân có hơn 800.000 vụ mỗi năm. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, tự tử chiếm tới 15% số ca tử vong bất bạo động trên toàn cầu, nghĩa là số vụ tự tử nhiều gấp 5 lần số người chết vì bạo lực do chiến tranh, bạo động mỗi năm. Đừng cố đẩy người đi học vào “cỗ máy giáo dục” mà làm tăng thêm một tỷ lệ không đáng có.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất