09/05/2016 06:31 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Sau thông tin và những bức ảnh được một Facebook đăng về việc NSND Lan Hương “bỏ cuộc” không đi Trường Sa vì không có phòng riêng trên tàu; dù chưa biết thực hư thế nào, hàng trăm bình luận được đăng lên, hàng trăm Facebook chia sẻ thông tin với những lời phê phán, lên án, cho rằng NSND làm thế là vì “chảnh”, vì không yêu Tổ quốc, rất nhiều người thậm chí còn cho rằng: Thật đáng thương cho các chiến sĩ vì mong chờ Em bé Hà Nội nhưng sẽ không được gặp vì cô không chịu được gian khổ, đòi hỏi…
Chỉ đến sáng 8/5, sau những chia sẻ của bản thân NSND và những người trong gia đình, sau khi một loạt báo chí lên tiếng đăng tải những bài phỏng vấn với nữ NSND Lan Hương, thì câu chuyện mới tạm lắng xuống. Những thông tin đăng tải được gỡ, những bình luận dừng lại.
Trên Facebook của mình, con gái của đạo diễn Tất Bình, chồng hiện tại của NSND Lan Hương chia sẻ: “Đây là lần thứ hai, liên quan việc gia đình mà mình phải chảy nước mắt vì tức và thương người trong gia đình, đồng thời thấy chán và coi thường khá nhiều người.
Sự thể thái độ của NSND mà các bạn đang lên án đó khi kéo valy bỏ về thế nào, mình không biết. Mình chỉ thấy, một người phụ nữ đã từng đấy tuổi, chưa quá già nhưng không còn trẻ.
Và ai biết NSND này, đều biết NSND bị bệnh hen rất nặng, trong những lần tâm sự trên báo, cũng kể về bệnh hen nhiều lắm rồi, nên việc xuống tàu và thấy bị ngộp thở, sợ nằm lăn quay thì muôn sự rắc rối đổ xuống cho cả đoàn, chấp nhận phải đi về một mình thế; là sự lựa chọn bắt buộc, đúng là lo thân mình, nhưng cũng là sợ ảnh hưởng đến tình hình chung, chứ không thể nói một cách hồn nhiên là coi thường bộ đội, chiến sĩ đồng bào.
Khi quyết định đi Trường Sa, NSND đã xác định sẽ nằm bẹp trên tàu và cũng chuẩn bị nhiều thuốc làm hành trang. Những kế hoạch ăn chơi, nghỉ ngơi cùng gia đình đều gạt ra, vì dồn sức và thời gian để cùng đoàn công tác ra đảo.
Khi phải đi về, hơn ai hết, NSND sẽ buồn, tiếc và cả bất lực vì chính sức khỏe của mình hơn là sự tiếc rẻ của bà con xung quanh cho cái sự nửa đường đứt chuyến. Nên đừng nói người ta bỏ về vì không yêu nước, không đi ra đảo để động viên tinh thần chiến sĩ”.
Quả thật, rất nhiều vụ việc gần đây khiến người ta thấy sợ hãi với mạng Facebook, tất nhiên, sợ hãi việc sử dụng mạng Facebook như nơi để thể hiện bản lĩnh “anh hùng bàn phím” của mình. Một sự kiện được đưa lên, không cần biết thực hư ra sao, không cần biết quá trình thế nào, “chém” trước đã, tung quan điểm một cách điên cuồng trước đã; rồi mới tính; bất chấp việc mình “chém” mang lại hậu quả gì cho đối tượng bị “chém”.
Như chuyện một bà nội trợ, đăng tấm hình miếng thịt bò nhập khẩu và cho rằng thịt mình mua về bị ôi, bị hỏng; nhận được sự ủng hộ của hàng trăm bà mẹ, những comment, những share, với tinh thần rất cao về việc bảo vệ sức khỏe, về việc thiếu trung thực với người tiêu dùng… khiến cửa hàng bán thịt nọ bị tẩy chay, khốn đốn. Cho tới khi chính một bà nội trợ, là đầu bếp của một nhà hàng, lên tiếng rằng miếng thịt như thế là bình thường, không phải thịt ôi, thịt hỏng; thì câu chuyện mới dừng lại.
Lời nói, các bà nội trợ kia xem như gió bay, dừng là xong, coi như mình nhận thức ra vấn đề. Nhưng hậu quả là cả một cửa hàng kinh doanh phải gánh chịu oan uổng. Âu cũng là một sự đau xót.
Tương tự, dù sự việc đã được làm sáng rõ, nhưng với NSND Lan Hương và gia đình chị, ít nhiều những giọt nước mắt đã rơi; sự ê chề đã phải chịu. Họ không thể lên Facebook thanh minh với cả bàn dân thiên hạ, hàng trăm, hàng ngàn người đã đọc được thông tin chưa chính xác kia; mà trong số đó, không phải ai cũng sẽ đọc được những thông tin đính chính sau này.
Họ cũng không thể quên những gáo nước lạnh đã hắt vào mình một cách đầy ác ý, của những người có khi cũng không biết họ là ai, không biết họ sống thế nào, chưa từng một lần biết suy nghĩ của họ; nhưng đơn giản là lên án họ, mạt sát họ, thậm chí khinh thường họ.
Vậy nên, không có gì là vô hại cả, không có gì đã tung ra mà có thể mất đi như chưa từng tồn tại cả. Hãy có trách nhiệm với mỗi điều mình nói, hãy biết “uốn lưỡi bảy lần” trước khi định đánh giá một sự kiện, một hiện tượng, một con người.
Và hãy nói với cái tâm tốt đẹp, thay vì những ham muốn “nổi tiếng” trên mạng, bằng những thông tin làm tổn hại người khác. Đã là thời của mạng xã hội có những tiếng nói nhất định trong cuộc sống, vậy nên, cũng đã đến thời phải biết sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa, để làm xã hội tốt đẹp lên, thay vì vùi dập nó như một nơi đầy hoang mang, đầy nghi ngờ.
Viết đến đây, mới nhớ tới một trắc nghiệm nhỏ của một Facebook về hai từ bạn có thể nói về xã hội mình đang sống, trong đó tới 50% là bất an và hoang mang. Đó có lẽ chính là những cảm giác rất thật của mọi người, khi không còn biết tin vào cái gì là đúng, là sai; bởi sự nhiễu loạn của thông tin khi ai cũng có thể là “nhà báo công dân”. Vậy nên, hãy trồng thêm một bông hoa, thay vì ném một con sâu nữa vào chính khu vườn chúng ta đang sống.
Theo T.Anh/ báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất