"Tôi có cảm giác cứ cái kiểu nhà nhà làm game show theo kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh” thế này (hơn là nghĩ chuyện đường dài) thì thế nào rồi cũng có lúc thoái trào"...
Một mùa Idol nữa lại sắp sửa đưa Quốc Trung - vị giám khảo được yêu thích trở lại màn hình. Mặc dù vậy, game show kéo dài gần 5 tháng trời này vẫn không ngăn Quốc Trung quyết tâm thực hiện “mưu đồ” riêng: khởi động “Nguồn cội” – dự án được coi là tiền đề cho việc hướng tới tổ chức thường niên một festival world music tại Việt Nam. Bởi theo anh, trước sự khủng hoảng thừa của các game show hiện nay, thì có một sự khủng hoảng thiếu rất đáng thất vọng cho một đời sống âm nhạc: Đó là các festival âm nhạc!
Game show: Thể nào rồi cũng thoái trào!
Tôi có cảm giác cứ cái kiểu nhà nhà làm game show theo kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh” thế này (hơn là nghĩ chuyện đường dài) thì thế nào rồi cũng có lúc thoái trào. Vì đơn giản là lấy đâu ra người tài mà đáp ứng cho đủ các "cỗ máy tìm kiếm” đó. Tôi khuyên BHD nên làm Vietnam Idol hai năm một lần cũng là vì vậy. Ít ra còn để nhân tài… kịp lớn! “Bước nhảy hoàn vũ”, bạn nghĩ tới đây sẽ là ai? Ngô Thanh Vân, Đoan Trang, Thu Minh, Thủy tiên, Minh Hằng… thì thi hết rồi! May ra là còn Hồ Ngọc Hà!
Game show cũng chính là “thủ phạm” khiến các live show ngày càng khó bán vé, vì giờ đây, cơ hội gặp “sao” quá dễ dàng. Cứ bật ti vi lên là thấy, không truyền hình trực tiếp thì truyền hình thực tế, không game show này thì game show kia! Chưa nói, còn một loạt event, phòng trà… Quá nhiều phòng trà! Cái sự “bóc ngắn cắn dài” ấy, xét trên một sự nghiệp cá nhân cũng như cho cả một đời sống âm nhạc, lẽ đương nhiên là mất nhiều hơn được rồi, khi ít nhiều nó làm cho mọi sự trở nên “suồng sã” hơn, bớt lung linh lấp lánh hơn như đáng ra nó cần phải có…
Thử nghĩ mà xem, bạn mê một cô/anh ca sĩ nào đó, mà cơ hội để bạn được gặp thần tượng của mình lại quá ít, rằng mỗi năm cô ấy/ anh ấy chỉ có thể ghé đến thành phố của bạn một lần duy nhất mà thôi, vậy thì khó khăn cách mấy, bạn cũng phải “đánh đường” đến gặp họ chứ! Nhưng đây, ở ta, chương trình nào hầu như cũng chỉ quanh đi quẩn lại bằng ấy gương mặt lớn, bé, và chủ yếu, cũng với những bài hát "tủ" ấy. Thử tính xem mỗi năm, bạn được gặp thần tượng của bạn bao nhiêu lần, hay là không đếm được? Hỏi sao khán giả họ không “lờn”? Trò đời, “xa thương, gần thường”! Cái sự khao khát gặp “sao”, dù là để được nghe hát live, vì thế cũng giảm đi nhiều!
Nhưng kể cả là muốn gặp, thì cũng lại đụng phải một “bức tường thành”: giá vé. Giá vé xem live show ở ta hiện nay phải nói là quá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân thành thị (chứ đừng nói là ở nông thôn) và nhất là so với các show ngoại – khi rõ ràng là đẳng cấp ngôi sao, trình độ tổ chức, chất lượng âm thanh, ánh sáng của họ đương nhiên là hơn đứt mình. Nhưng vì sao giá vé của họ lại rẻ hơn?
Vì hai lẽ. Thứ nhất: Một show diễn của họ chí ít ra cũng phải diễn được cả chục buổi, có show còn diễn được hàng năm, thì như thế mới hy vọng giảm được giá thành, trong khi ở ta cùng lắm là được hai buổi, chưa đủ để “khấu hao”. Thứ hai: Chi phí đầu vào cho một chương trình được sản xuất tại Việt Nam phải cõng rất nhiều khoản chi “bất thành văn” rất khó đưa vào hạch toán và không dễ gì kiểm soát… Chính vì thế mà rất khó để hạ giá vé, trừ khi có tài trợ khủng hoặc chấp nhận lỗ - hai điều không ai dám “đùa” vào thời buổi khó khăn này...
Festival: Đã không thêm, lại còn bớt!
Nếu có một nơi mà các “sao” thường biểu diễn hết mình mà không quá đặt nặng chuyện cát sê khiến giá vé vào cửa trở nên dễ chịu hơn thì đó chính là festival. Một “hội chợ” của giới nghề, cũng là ngày hội lớn của thành phố ấy, vùng đất ấy... Là nơi người ta đến hát không vì cát sê mà để khoe nhau những dự án mới, sản phẩm mới; để khẳng định đẳng cấp; để hâm nóng tình yêu cùng bạn nghề và có được những khán giả là bạn nghề… Về phía khán giả, thì chỉ với một tấm vé vào cửa (trọn gói cho tất cả các chương trình thuộc khuôn khổ liên hoan), sẽ được lựa chọn tùy thích nghệ sỹ nào, ban nhạc nào mình muốn được xem nhất.
Hay nếu bạn muốn, và có đủ thời gian, thì đấy sẽ là cơ hội để bạn được thưởng thức một bữa “lẩu băng chuyền” với những thực đơn đa dạng nhất… Tôi từng có cơ hội dự một festival quốc tế tại Đan Mạch diễn ra trong 4 ngày mà có tới hơn 200 ban nhạc, biểu diễn cùng lúc trên 7 sân khấu lớn, mỗi sân khấu dành cho một thể loại khác nhau, mỗi ngày biểu diễn liên tù tì từ 13 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau mà lúc nào cũng nườm nượp khán giả. Vị giám đốc âm nhạc nói với tôi rằng họ đã không phải trả quá nhiều tiền để có được sự hiện diện của những tên tuổi lớn tại festival của mình. Nguyên do là ở châu Âu có một mùa gọi là mùa biểu diễn và cùng đó là hiệp hội tổ chức Festival châu Âu, hiệp hội tổ chức biểu diễn… đã cùng nhau tạo nên một sự điều phối tuyệt vời để tranh thủ được những vị khách “vãng lai” (đôi khi họ chỉ kịp ghé qua vài ba tiếng), nhân tour diễn cùng thời điểm của họ. Khán giả muốn có vé vào cửa, mà không có tiền, thì có thể đăng ký làm tình nguyện viên. Theo cách “hai bên cùng có lợi” đó, festival mà tôi từng tham dự có tới 35.000 khán giả đồng thời là tình nguyện viên…
Đó thực sự là một giấc mơ ám ảnh tôi! Để đến nỗi, bốn năm qua, nó đã kịp trở thành “tham vọng” phải cố gắng tổ chức bằng được một festival âm nhạc, ít ra là cho riêng thể loại world music mà bấy lâu nay tôi theo đuổi, bằng vào cái duyên hợp tác với Nguyên Lê cũng như một số nghệ sỹ quốc tế nổi tiếng khác mà tôi từng có cơ hội cộng tác... Lẽ đương nhiên, để làm được điều đó, thật chẳng dễ dàng gì vì world music thật sự là kén người nghe (ở ta) và không dễ gì bán vé. Nhưng lẽ nào, một đời sống âm nhạc, chỉ có thể trông chờ vào… game show?
Buồn là, Liên hoan nhạc jazz châu Âu (về sau đổi thành Liên hoan Âm nhạc châu Âu với hy vọng mở rộng sân chơi hơn) – một festival âm nhạc hiếm hoi ở ta hiện đã lặng lẽ khép lại. Phần vì đó chủ yếu là một cố gắng từ bên ngoài, chứ không phải do chính chúng ta; phần vì sự đón nhận của khán giả nhà mình (lẫn truyền thông) vẻ như còn thơ ơ quá… Đã không thêm lại còn bớt, buồn!
Buồn nữa, là để có được những festival âm nhạc với sự góp mặt đông đảo nhất của các tên tuổi, thì không thể thiếu đi vai trò điều phối của các hiệp hội làm nghề, đặc biệt là hiệp hội tổ chức biểu diễn. Vậy nhưng lâu nay ở ta, thì vẫn cứ quen cái kiểu mạnh ai nấy làm: truyền hình tự làm show của truyền hình, cá nhân tự làm show của cá nhân, mà không hề thấy đâu vai trò gắn kết, tương hỗ của cái gọi là hiệp hội làm nghề ấy. Giẫm chân lên nhau như thế, xét trên toàn cục, đấy thực sự là một sự lãng phí lớn, là tự “giết” nhau còn gì!
Cứ bảo, nhạc Việt làm sao ra được biển lớn, ngay cả khi việc phát hành một album trên toàn cầu lúc này đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề là giữa một biển thông tin, ai người ta có thể tìm ra bạn, ai tin bạn? Muốn người ta biết bạn bán gì, bạn phải mang nó đến hội chợ chứ! Đó chính là festival!
Theo Đẹp