03/01/2017 07:05 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Giao thừa đi qua, rác ở lại. Kịch bản ấy một lần nữa lại diễn ra ở không gian quanh Hồ Gươm, trong đêm đón năm mới 2017 vừa rồi. Như nó đã từng có ở mọi khoảng khắc giao thừa, cả Dương lịch lẫn Âm lịch, trong suốt chục năm nay.
Và tất nhiên, hàng chục, hàng trăm bức ảnh chụp “biển rác” quanh hồ lại được chia sẻ trên mạng, kèm theo những lời than muôn thủa về ý thức của biển người vừa có mặt tại đó.Nhưng, dù nói nhiều tới chuyện nâng cao ý thức, chúng ta cũng hiểu rõ: như những gì đã tồn tại qua từng năm, đó không thể là câu chuyện của một sớm một chiều.
Bởi thế, người viết muốn nhìn câu chuyện ấy ở một góc khác: sự quá tải của Hồ Gươmtrong những dịp lễ lạt.
***
Diện tích 15 ha (trong đó có hơn 11 ha là mặt nước) của Hồ Gươm không quá rộng. Cách quy hoạch của người Pháp, với những tỷ lệ rất cân đối và chuẩn mực của kiến trúc xung quanh, mới là lý do khiến chúng ta bị ấn tượng mạnh và có cảm giác hòa mình cùng vành đai xanh, cùng mặt nước mênh mang khi tới không gian này.
Sau đêm giao thừa, rác ở lại với Hồ Gươm. Ảnh: Tiến Nguyên/Dân Trí
Nhưng, bởi không rộng, và lại dàn trải theo hình elip, không gian ấy rất dễ dàng rơi vào cảnh quá tải, mỗi khi biển người trong thành phố đổ về đây – mà những thời khắc đón giao thừa là minh chứng điển hình.
Khi ấy, theo từng nhịp thời gian tới phút giao thừa, khu vực mà các nhà nghiên cứu gọi là không gian của lịch sử và ký ức ấy, liên tục bị thu hẹp và dần trở nên quá tải trước biển người dồn lên.
Quá tải, nên việc dọn rác ở Hồ Gươm không thể “cập nhật” theo từng giờ, như những ngày tổ chức phố đi bộ thông thường. Quá tải, những ai có ý thức đều gặp khó khăn khi di chuyển đến vị trí của một số thùng rác công cộng. Để rồi, bên cạnh sự lúng túng ấy những người ích kỷ lại càng tìm được cách biện minh khi tuôn rác xuống dưới đất hoặc xung quanh mình.
Mà, rác cũng chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại là cảnh chen chúc, là sự lộn xộn ít nhiều từ biển người, là việc mất hẳn cái tâm lý thanh thản, thong dong lẽ ra phải có khi bước tới không gian này.
***
Khi mới hình thành, Hồ Gươm là không gian trung tâm của một đô thị chỉ rộng vài chục km vuông. Bây giờ, sau hơn 100 năm, đô thị ấy đã được mở rộng lên gấp trăm lần, với lượng người cũng tăng lên tương ứng.
Và, cách mà biển người ấy đổ về Hồ Gươm vào mỗi dịp lễ lạt vừa chứng tỏ sức hấp dẫn “xuyên thời gian”của nó, vừa chứng tỏ một thực tế: sau ngần ấy năm, chúng ta vẫn chưa thành công trong việc tạo dựng thêm những không gian văn hóa mang tính chất “vệ tinh” cho địa điểm đặc biệt này.
Bởi, để có một không gian văn hóa công cộng theo đúng nghĩa, đó không chỉ là việc xây mới những công viên hoặc quảng trường. Xa hơn, và cơ bản hơn, đó còn là những bài toán về quy hoạch, về vị trí, về cách vận hành hoặc tổ chức hoạt động để tạo sức hút.
Không ai có quyền cấm người dân Hà Nội, thậm chí là ở những địa phương xung quanh, đổ về Hồ Gươm trong những thời khắc quan trọng. Nhưng, chúng ta có quyền mong về những không gian khác, dù chưa có bề dày văn hóa như Hồ Gươm, nhưng đủ là một lựa chọn để cân nhắc, thay cho việc tìm tới một không gian lịch sử đang quá tải.
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất