Góc nhìn 365: Đừng gieo rắc hoang mang

11/05/2021 07:00 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Chúng ta đang trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn và căng thẳng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Phạt nghiêm đối tượng đăng thông tin sai về dịch COVID-19 tại Hà Nội

Phạt nghiêm đối tượng đăng thông tin sai về dịch COVID-19 tại Hà Nội

Ngày 10/5, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, đơn vị đã đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Văn Duy (sinh năm 1982, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), chủ tài khoản Facebook có tên “Hà Nội Phố”.

Gần nhất, tính đến 18h hôm qua, 10/5, số ca nhiễm bệnh được phát hiện trong vòng 24h trên toàn quốc đã lên tới 3 con số, nghĩa là vượt qua mốc 100 trường hợp.

Và cũng trong hôm qua 10/5, các cơ quan chức năng vừa công bố thông tin về việc xử phạt một cá nhân tại Hà Nội với số tiền 12,5 triệu đồng. Lý do: Vài ngày trước, “nhân vật chính” vừa đưa lên facebook cá nhân những thông tin sai sự thật về việc Hà Nội bị phong tỏa trong mùa Covid-19.

Việc xử phạt những cá nhân đưa tin giả trong mùa dịch Covid-19 không phải là chuyện lạ. Gần 1 năm trước, chúng ta đã được chứng kiến hàng chục trường hợp như vậy - với những mẩu tin muôn hình muôn vẻ về sự bịa đặt thiếu trung thực. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là kiểu tin giả về những diễn biến xấu hoặc những biện pháp mạnh được áp dụng trong đợt dịch.

Chú thích ảnh
Tin giả (fake news) đang có xu hướng phát triển ngày một nhiều. Nguồn: Internet

Thực tế, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tin giả (fake news) đang có xu hướng phát triển ngày một nhiều. Chúng có thể đến từ mục đích câu like, từ dụng ý xấu của người đưa tin, hoặc đơn giản là từ tâm lý thích giật gân của một số cá nhân. Để rồi, bây giờ ở bối cảnh dịch Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu trong cộng đồng, chỉ cần vài giây thiếu bình tĩnh của người đọc, những thông tin này lập tức có thể loang rộng và trở thành một “cơn bão” khiến cộng đồng hoảng hốt.

***

Công bằng mà nói, những gì đang diễn ra đã đặt mọi người trước nỗi âu lo thường trực. Chúng ta đang cùng lúc phải đối diện với hàng loạt thử thách so với trước, trong đó có sự xuất hiện của những chủng virus biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh. Rồi, trong mấy ngày qua, hàng loạt bệnh viện - thành trì của công tác chống dịch trong những đợt trước - cũng trở thành nơi xâm nhập của bệnh dịch.

Nhưng, sự âu lo ấy sẽ không trở nên vô ích, nếu nó là động lực để người ta “xắn tay” bước vào cuộc chiến với bệnh dịch.

Cần nhớ, trong 3 làn sóng dịch Covid-19 trước đây, chúng ta đều vượt qua những thách thức từng có bằng sự đoàn kết sẻ chia của người dân ở một nước tuy không mạnh về kinh tế nhưng lại rất biết cách thắt lưng buộc bụng, hạn chế những nhu cầu cá nhân và cùng động viên nhau trong những lúc hiểm nghèo.

Chắc chắn, sự đoàn kết và sẻ chia ấy không có chỗ cho những luồng thông tin đồn đoán vô lý. Bởi, nếu mỗi người trong chúng ta chỉ có một chút dễ dãi và nóng vội, tự cho phép mình vượt qua sự điềm tĩnh cần thiết trước những thông tin đáng ngờ, thì cuộc chiến chống dịch sẽ càng nặng nề hơn - khi các cơ quan chức năng vừa phải đặt trong tình trạng vừa căng mình trên trận tuyến chống dịch, vừa liên tục tính tới việc xử lý và khắc phục hậu quả của một dòng thác tin giả ở “hậu phương”.

Không cực đoan, thái quá, hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong phòng chống dịch… là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra cuối tuần qua tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Và cũng không ngẫu nhiên, trong mấy ngày qua, lá thư ngỏ của một hiệu trưởng ở Nam Định - nơi có những học sinh đang bị cách ly vì bệnh dịch - lại được cộng đồng chia sẻ nhiều đến vậy. Lá thư ấy có những lời dặn chí tình: “Ngay tại thời điểm này, sự bình tĩnh sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Hãy vịn vai nhau để đi nếu mệt…”.

Ở giai đoạn quyết định như lúc này, cuộc chiến chống dịch cần những lời sẻ chia như thế, thay vì sự hoang mang và bạc nhược từ các tin đồn thất thiệt.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm