21/05/2019 07:20 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng người khác”, còn ở ta các cụ thường nói "Ăn cho mình, mặc cho người". Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc ăn mặc trong xã hội, khi mà mỗi chúng ta không phải mặc cho mình, mà mặc cho mọi người!
Về câu chuyện ăn mặc mà Ngọc Trinh đã thể hiện tại LHP Cannes 2019, dư luận xã hội có thể chia thành nhiều nhóm: người bênh vực, ủng hộ, người lên án, phản đối. Tuy nhiên cần phải thấy rằng, việc ăn mặc của những người nổi tiếng không chỉ là câu chuyện cá nhân. Nó có ý nghĩa nhiều hơn một sở thích, nhu cầu thể hiện của một ai đó.
Bối cảnh xã hội hôm nay có nhiều khác biệt, khó để chúng ta có thể áp dụng cách đánh giá trong ngạn ngữ của cổ nhân. Các phương tiện truyền thông mới khiến cho nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn, trong đó xu thế lấy cá nhân mình làm trung tâm của cả vũ trụ đang trở thành phương châm sống của nhiều người. Không quan tâm đến ý kiến của người khác, sống cho mình và chỉ riêng mình thôi, nhiều khi đã trở thành “xu hướng” mới mà nhiều người theo đuổi. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, qua mặt rất nhiều ứng viên nặng ký, YOU (bạn) được tạp chí nổi tiếng thế giới Time bầu chọn là nhân vật của năm.
Quay trở lại câu chuyện ăn mặc mà Ngọc Trinh đã thể hiện tại LHP Cannes 2019. Dư luận xã hội có thể chia thành nhiều nhóm: người bênh vực, ủng hộ, người lên án, phản đối. Quan điểm của tôi là: việc tự do thể hiện, biểu đạt là nhu cầu cá nhân, xã hội tôn trọng. Nó góp phần giúp nảy nở tính sáng tạo của cá nhân, và sau đó là cộng đồng.
Tuy nhiên, những giới hạn về đạo đức cũng cần được mọi cá nhân tôn trọng. Câu chuyện ăn mặc của những người nổi tiếng không chỉ là câu chuyện cá nhân. Nó có ý nghĩa nhiều hơn một sở thích, nhu cầu thể hiện của một ai đó. Trong bối cảnh đất nước đang hướng đến xây dựng một xã hội văn minh; khi các giá trị đạo đức xã hội đang cần được đề cao để xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, thì những cách ăn mặc phản cảm không giúp con người hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ, mà ngược lại, chính nó đã tạo ra những hình ảnh xấu xí về việc bất chấp tất cả để khoe thân vì mục đích nhận được nhiều sự quan tâm của một bộ phận trong xã hội.
Cách ăn mặc thể hiện văn hóa của mỗi người. Người xưa có câu: “y phục xứng kỳ đức” để liên hệ cách ăn mặc với địa vị, phẩm giá của mỗi con người. Dù bối cảnh xã hội có khác nhưng chúng ta vẫn mong chờ những người nổi tiếng luôn đóng đúng vai trò định hướng tốt cho xã hội, bắt đầu từ câu chuyện ăn mặc!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN (Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)/ Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất