Nhân chuyện 'xuất khẩu' cử nhân

05/07/2017 07:39 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Xin bắt đầu bài viết bằng một thông tin mới: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

Theo tính toán, từ nay đến 2025 cần khoảng 1.300 tỷ đồng để đưa 54.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Và cũng xin mọi người nhìn lại một con số thống kê đáng suy ngẫm: Tính đến hết tháng 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 139.000 người, cao đẳng là 104.000 và trung cấp là 83.000 người.

Nếu đề án trên đi vào triển khai, dù có thể gọi bằng tên sang trọng một chút là “xuất khẩu” cử nhân, nhưng cũng có thể gọi “giải cứu” cử nhân, cũng chẳng sai.

Chú thích ảnh
Tính đến hết tháng 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 139.000 người. Ảnh: Internet

Cách đây ít hôm, người viết có dịp đi thăm Trường Cao đẳng Thông tin Hữu nghị Việt- Hàn, Đà Nẵng. Ngôi trường này khởi phát từ chuyến thăm Hàn Quốc năm 2003 của Đoàn Việt Nam.Trong buổi tiếp đón, Tổng thống Hàn Quốc Roh MooHyun đã công bố giúp Việt Nam xây dựng Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn với món quà trị giá 16,2 triệu USD. Phía Việt Nam bỏ ra 370 tỷ đồng.

Đây được coi là một trong những biểu tượng tình hữu nghị hai nước, và kỳ vọng sẽ là trung tâm đào tạo công nghệ số một tại miền Trung- Tây Nguyên.

Vậy mà, giờ đây ngôi trường đang sống trong cảnh lay lắt, chỉ còn một cách duy nhất là được nâng cấp lên đại học, mới hy vọng thu hút được sinh viên. Tôi cùng ban giám hiệu nhà trường đi giữa ngôi trường rộng 15 héc ta, công năng đào tạo 7.000 sinh viên, ký túc xá có sức chứa 4.000 sinh viên, xây với chuẩn quốc tế đẹp miên man mà lòng dạ ngổn ngang tiếc nuối.

Số liệu do nhà trường cung cấp: năm học 2007 - 2008 có 500 sinh viên;  2008 - 2009 có 900; 2010 - 2011 có1.200… và nay chỉ còn 200 sinh viên. Nhà trường phấn đấu năm học 2017 - 2018 sẽ tuyển được…100 sinh viên.

Số phận ngôi trường này chỉ là một điển hình đắng đót trong nhiều ngôi trường đại học, cao đẳng, trung cấp… hiện nay.

****

Nhưng, lãng phí nguồn lực mới đáng đau lòng.

Lâu nay, khái niệm xuất khẩu lao động thường gắn liền với giấc mơ đổi đời của những người lam lũ, không có điều kiện học cao. Những người thất nghiệp có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên cũng là “nguyên khí” quốc gia. Đã là nguyên khí thì vẫn rất cần họ ở lại, phụng sự công cuộc kiến thiết, dựng xây quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới (tất nhiên, vẫn có khái niệm "xuất khẩu chất xám" để sang nước bạn làm "thầy").

Cho nên, chi khoảng 1.300 tỷ đồng để đưa54.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài, từ nay đến năm 2025, vẫn chỉ là giải pháp tình thế.

Nỗi buồn cử nhân

Nỗi buồn cử nhân

Một năm học nữa khép lại, phần lớn các em học sinh bắt đầu nghỉ hè trước khi bước vào những khóa học thêm. Còn với những em học sinh cuối cấp THPT, họ chuẩn bị cho một lựa chọn bước ngoặt cuộc đời vào đại học, đi học nghề...

Những chùm phượng vĩ đã bắt đầu rụng xuống sân trường. Mùa tuyển sinh đang về, bao nhiêu thanh niên Việt đang chuẩn bị bước vào giảng đường lớn. Chọn trường và vượt được “vũ môn” đã mệt mỏi, ám ảnh ra trường bị thất nghiệp vẫn đè nặng trĩu.

Cũng như nhiều cuộc “giải cứu”ở lĩnh vực khác, “giải cứu” cử nhân cần những chính sách đúng đắn, có tầm nhìn xa, trong đó vai trò định hướng, dẫn dắt của Bộ Giáo dục& Đào tạo là căn bản. Hy vọng, Nghị định 46 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đàotạo trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030, sẽ giải quyết được nhiều bức bối của ngành giáo dục, trong đó đẩy lùi mạnh mẽ tỷ lệ thất nghiệp của “người có học”, đang trở thành gánh nặng cho xã hội hiện nay.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm