22/05/2016 07:11 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Trong một ngày náo nhiệt ở Hà Nội, giở Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam ra, ta bỗng thấy phong cảnh thật lạ khi ngược lên phố Hàng Ngang - Hàng Đào rồi rẽ sang Hàng Buồm...
Ở chương đầu tiên Những biển hàng, ta thấy: “Trước hết có hiệu trâu vàng, hẳn thế... Rồi đến hiệu bò vàng, cá chép vàng, con lạc đà không biết đến đây để làm gì?, con gà sống kim kê hẳn thôi, con hươu sao, con kỳ lân, con phượng.... Các nhà hàng còn lâu mới dùng hết được tên các loài vật. Và chúng ta nên nhận rằng trong các con vật đã dùng, không có con nào dữ cả”.Đoạn văn trên như một cuốn phim tư liệu về phố cổ Hà Nội đầy màu sắc như trong khu vườn cổ tích, mà có lẽ bây giờ đi theo hành trình của Thạch Lam, ta chỉ gặp vô số các biển hiệu quần áo, kim hoàn, đồng hồ...
Các biển hiệu giờ đây đều được cắt chữ vi tính đều tăm tắp, và nói chung không thể hiện cảm xúc gì ngoài nỗ lực phình ra to nhất để khuếch trương tên của cửa hàng, cửa hiệu - thường được đặt theo tên của thứ hàng được bán hoặc tên của ông, bà chủ ghép vào với nhau.
Nhưng giả sử như hồi Thạch Lam, có một thiết kế đô thị cho 36 phố phường, thì rất có thể những biển hiệu thủ công kể trên sẽ bị dẹp bỏ, hoặc chí ít cũng bị “quy chuẩn” hóa về màu sắc, kích thước hoặc cách sử dụng ngôn ngữ.
Ngay từ hồi đó, Thạch Lam đã tiên liệu điều này, khi ở đoạn tiếp theo, ông kể chuyện hai cửa hàng tức nhau tiếng gáy cùng đặt biển hiệu là mô hình hai con voi. Ai cũng muốn biển hiệu mình phải hoành tráng hơn nên hai con voi cứ được làm to mãi ra. Phố thì hẹp, cho nên một ngày kia, hai con voi đụng vòi nhau, lấp cả lối đi!
Trong kiến trúc, có một lĩnh vực mà Hà Nội chưa thể làm đồng bộ, đó là thiết kế đô thị (urban design). Nói nôm na, đó là vẽ ra hình dáng tương lai của đô thị với đầy đủ màu sắc, vật liệu, tầng cao... gần như các bản phối cảnh kiến trúc mà ta thường thấy khi đi qua các khu đô thị mới đang được rao bán.
Thiết kế đô thị đương nhiên bao hàm cả thiết kế biển hiệu quảng cáo – khoảng không gian trên cao sinh lời nhất của các ngôi nhà mặt tiền.
Nhưng thiết kế đô thị hoàn toàn khác với việc khoác cho đô thị chiếc áo “đồng phục”.
Nếu Thạch Lam đi qua tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn của Hà Nội thế kỷ 21 này, ông sẽ không biết miêu tả cái gì khi tất cả các biển hiệu na ná nhau và chỉ có hai màu xanh, đỏ. Nhưng nếu có một sản phẩm thiết kế đô thị ở đó, thì chắc chắn ông sẽ dừng lại ngắm, và tin rằng sẽ không lặp lại chuyện hai con voi đụng vòi.
Chúc quý vị một tuần vui vẻ.
Phương Đỗ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất