Ông Park Nark Jong, GĐ Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam: Tết Việt quá dài...

18/02/2015 07:40 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Với sự tương đồng về văn hóa, người Hàn Quốc cũng chọn chim én là biểu tượng của mùa Xuân và sự may mắn cho một năm mới đến. Sau đêm Giao thừa, mọi nhà cùng thức dậy từ rất sớm để đón bình minh, đón những tia nắng ấm áp của ngày đầu tiên trong năm mới, cùng nhau đi dã ngoại, trượt tuyết để “khởi động” cho một năm mới tràn đầy năng lượng.

Ông Park Nark Jong, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đã chia sẻ với tôi về phong tục Tết ở xứ sở kim chi của mình.

... nhưng đó là sự thong thả mà Tết Hàn không có được

* Tôi được biết, với nhiệm kì ba năm ở Việt Nam, hai năm qua ông đều ở đây đón Tết Nguyên đán. Không biết, so với Hàn Quốc, cách đón Tết truyền thống tại Việt Nam để lại trong ông những điều gì thú vị?

- Tôi đến Việt Nam vào tháng 8/2012 và năm đó, lần đầu tôi đón Tết Việt tại nhà của một nhân viên. Việt Nam và Hàn Quốc khá tương đồng về cách đón Tết như chuẩn bị sắm Tết, có bữa cơm Tất niên cúng gia tiên, Tết đến là về quê, là thăm hỏi gia đình, ra mộ tổ tiên mời ông bà về ăn Tết, trẻ con được lì xì nên tôi cảm thấy rất gần gũi.

Điều mà tôi thấy quý giá khi ở Việt Nam, Tết là dịp mà người thân họ hàng sum vầy, gặp lại nhau để chia sẻ những câu chuyện trong cả một năm, rất ấm cúng. Trong khi đó, ở Hàn Quốc bây giờ, ít được như vậy. Thường thì sống ở đâu người ta đón Tết ở đấy, không tụ tập. Bố mẹ ở quê cũng ít lên thành phố thăm con hoặc ngược lại, người đi làm xa cũng ít về quê thăm gia đình. Những người trẻ Hàn Quốc cũng không còn ở nhà vào những dịp này mà họ thường đi du lịch.

Bản sắc văn hóa truyền thống của Tết Việt đậm đà với cây quất, cây đào, bánh chưng... Đi trên đường tôi thấy rất tấp nập không khí Tết ở chợ cây, người người đi sắm cây và bản thân tôi cũng nhận được cây quất, cành đào. Đầu năm người Việt đi chúc Tết rất thân thiện còn ở Hàn Quốc không được như thế, dù vẫn còn phong tục này.

* Vậy ở cả hai đất nước vào dịp Tết, điều gì khiến ông thoải mái nhất và điều gì khiến ông phiền toái nhất?

- Thật là một câu hỏi khó đối với tôi! Có lẽ điều dễ chịu nhất và cũng phiền toái nhất đối với tôi, ở cả hai đất nước, chính là thời gian nghỉ Tết.

Tết ở Việt Nam quá dài khiến tôi không biết đi đâu chơi, muốn đi ăn thì cũng không có hàng quán phục vụ, rất buồn. Trong khi đó, Tết ở Hàn Quốc chỉ có bốn ngày thôi, nên hết Tết là mọi người trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường. Như tôi thấy ở Việt Nam, dường như sau mấy ngày nghỉ, Tết vẫn chưa hết vì mọi người vẫn thích “ăn chơi dông dài”. Thực ra, đấy là một sự thong thả mà người Hàn Quốc không có được. Tôi thấy rất thú vị về điều này!

Ngoài ra, vào dịp Tết, ở đâu cũng vậy, chi phí đi lại luôn đắt đỏ nhưng về quê rồi, sẽ được tận hưởng những món ăn truyền thống quê nhà mà không phải lúc nào mình cũng có được.


Giám đốc TTVH Hàn Quốc tại Việt Nam Park Nark Jong cùng các nghệ sĩ Hàn Quốc hát bài Forever (Ahn Jae Wook) trong chương trình Sân chơi văn hóa Taekwonpop năm 2014, kết thúc các hoạt động văn hóa của Hàn Quốc tại Việt Nam năm 2014

“Đến nhà ai, cũng bị chuốc rượu quá nhiều”

* Như tôi được biết, đàn ông Hàn Quốc tính gia trưởng hơn cả đàn ông Việt. Vậy không biết vai trò của người đàn ông Hàn Quốc trong dịp Tết như thế nào?

- Bao nhiêu năm nay ở Hàn Quốc, phụ nữ luôn là người lo bếp núc và chuẩn bị các món ăn để cúng Tất niên. Nhưng người đàn ông trong gia đình mới là người làm chủ lễ cúng.

Ngày nay, công việc nấu bữa cơm làm lễ vẫn do phụ nữ vẫn chuẩn bị, nhưng nam giới Hàn Quốc không còn chú tâm vào việc đó nữa. Phải “nói xấu” cánh đàn ông Hàn Quốc ngày nay là họ đã bỏ bê, không chú trọng vào truyền thống. Thậm chí, họ đi chơi và chỉ chơi thôi!

* Mặc dù văn hóa truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc có khá nhiều sự tương đồng nhưng có khi nào, ông gặp phải tình huống “khó xử” khi đến nhà người Việt chơi trong dịp Tết mà nguyên nhân là sự khác biệt về văn hóa không?

- Tôi nghĩ là không. Có lẽ tôi là người nước ngoài, cũng không biết phải giữ ý tứ thế nào mà mọi người đón tiếp nồng hậu lắm nên tôi chưa phải gặp sự cố gì ngoài ý muốn. Chỉ có một bất tiện nho nhỏ là đến nhà ai, tôi cũng bị chuốc rượu quá nhiều mà tôi lại không uống được.

* Ta hãy nói về công việc, so với những năm trước, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt – Hàn trong năm 2014 có gì đặc biệt không, thưa ông?

- Năm qua là một năm mà Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam hoạt động tích cực hơn hẳn các năm trước. Chúng tôi đa dạng hóa các hoạt động và mở rộng các lĩnh vực hơn. Không chỉ dừng lại ở những nội dung cũ đã được biết đến như K-pop, năm 2014 chúng tôi đã có nhiều chương trình giao lưu mang tính thử nghiệm, giới thiệu âm nhạc và văn hóa truyền thống Hàn Quốc như quốc nhạc, múa cung đình và lễ hội phim hoạt hình. Cùng với tranh vẽ, chúng tôi đã giới thiệu được các triển lãm về vải sợi, tạo hình, nghệ thuật sắp đặt và một số loại hình trong nghệ thuật đương đại.

* Mỗi năm, Hàn Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu diễn ra tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Vậy, ông có thể tiết lộ kế hoạch năm 2015, Trung tâm sẽ có những “bữa tiệc tinh thần” nào thật đặc biệt mà công chúng Việt Nam khó có thể “ngó lơ”?

- Tôi nghĩ, một trong những sự kiện đáng mong chờ nhất năm 2015 dành cho công chúng Việt Nam là Đại nhạc hội K-pop Festival 2015 sẽ diễn ra trong tháng 3/2015. Năm 2012, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện này lần đầu tiên tại Việt Nam và đã làm nên cơn sốt “đốt cháy” sân Mỹ Đình. Năm nay, sự kiện sẽ trở lại với quy mô tương tự, do đài KBS sản xuất. Hiện nay, tôi chưa thể tiết lộ danh sách các nghệ sĩ sẽ tham dự trong chương trình này nhưng tin chắc, chương trình sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với khán giả Việt Nam.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông đón Tết thật ấm cúng!

Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm