Phụ nữ Ấn Độ không chỉ khổ vì làm 'cô dâu 8 tuổi'

24/01/2016 08:19 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Tảo hôn là vấn nạn nổi cộm trong xã hội Ấn Độ được phản ánh qua bộ phim truyền hình gần 2.500 tập Cô dâu 8 tuổi. Nhưng bên cạnh đó, phụ nữ nước này còn khốn khổ vì một vấn nạn kinh khủng khác: cưỡng bức.

Những thông tin về nạn hiếp dâm và hiếp dâm tập thể tại Ấn Độ chỉ đủ đưa ra những hình dung hãi hùng về cuộc sống của nữ giới đất nước này. Con gái người kỹ nữ, cuốn sách của nữ nhà văn Ấn Độ Juliet Philip, đưa người đọc đi sâu vào cuộc sống của một cô gái Ấn Độ với nỗi sợ thường trực: bị cưỡng bức.

Sách cho người đọc những hình dung cụ thể hơn, cho thấy vấn nạn này kinh khủng đến mức nào. Kamada, nhân vật chính sống ở Bombay, luôn bước ra khỏi nhà với một tập tài liệu làm “khiên che ngực” để khỏi bị sờ soạng. Với cô, bên ngoài là một thế giới bẩn thỉu với những loại đàn ông được phân loại.

Có 3 loại đàn ông trong mắt Kamada. Một là “Brazilian wandering spiderat” - những con nhện lai chuột Brazil lang thang. Loại này thường có chút hiểu biết nhưng cách tấn công rất mạnh mẽ và gây ra nỗi đau thể xác.

Hai là “chimpigog” - tinh tinh lai lợn và chó, không có khả năng kiểm soát dục tính. Ba là “snakepig” - rắn lai lợn rừng. Loại này đáng ghê sợ nhất vì lởn vởn một cách kín đáo và tấn công bất chợt, không thể chống đỡ.

Thật khó tin khi một cô gái bước ra đường với nỗi ám ảnh về tất cả những loại đàn ông đó xung quanh, cùng một lúc. “Hầu hết đàn ông ở đây đều coi tôi như con mồi vì Bombay chỉ có 750 nữ giới trên 1.000 nam giới”. Và ngay đầu cuốn sách, trong lúc đang ôm tấm “khiên che ngực” đi trên đường, Kamada bị một gã đàn ông trên phố sàm sỡ nhưng cô đã chống cự lại được.

Ngoài đời, “tấm khiên” của Kamada là quá mỏng manh đối với một phụ nữ Ấn Độ. Với thống kê khủng khiếp “cứ 22 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị hiếp dâm”, và “93 phụ nữ bị hiếp dâm mỗi ngày”, nữ giới ở nước này đã bị đẩy đến mức đồng loạt nộp đơn xin phép sử dụng súng để tự vệ.

Cả “cô dâu 8 tuổi” và vấn nạn cưỡng bức là hai biểu hiện của một xã hội bất ổn, nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ thâm căn cố đế. Điều gì kinh khủng nhất? Khi hai biểu hiện này hòa trộn vào nhau. Đó là khi các cô bé 8 tuổi cũng trở thành nạn nhân cưỡng bức (thực tế đã có), cùng các cô bé 9 tuổi, 12 tuổi, 14 tuổi và các thiếu nữ đôi mươi.

Trong sách, Kamada là con gái của một người mẹ là gái gọi cao cấp chuyên phục vụ cho các quý ông giàu có, còn cha cô là một gã nghiện rượu. Chứng kiến cuộc sống đó của mẹ, hơn bất cứ ai, Kamada muốn tìm một lối thoát. Cô gái nghĩ đến lối thoát duy nhất của mình là học lấy chứng chỉ GRE để sang Mỹ xây dựng cuộc đời mới. Cô loại Ấn Độ khỏi tương lai của mình.

Ngoài đời, một cô gái Trung Đông khác, Malala Yousafzai, người Pakistan được giải Nobel Hòa bình, cũng chọn giáo dục làm lối thoát cho những bất công xã hội ở quê hương mình. Trong Cô dâu 8 tuổi, khi chứng kiến người chồng trẻ con học lên cao hơn và dần coi thường mình vì thất học, “cô dâu 8 tuổi” Ananda cũng nhận ra lối thoát của mình là giáo dục, rồi trở thành cô giáo và nhà hoạt động xã hội.

Con gái người kỹ nữ (Phúc Minh và NXB Văn học) đã xuất bản tại Việt Nam, do Trịnh Thúy Ngàn dịch.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm