09/09/2015 14:26 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đường “Ướp lạnh” chính là đoạn đường nối từ cuối điểm đường Hồ Tùng Mậu giao cắt với đường 32 chạy tới làng Phú Đô, giao với Đại lộ Thăng Long. Tấm biển ghi tên đường đã được dựng lên khá lâu. Nhiều người dân đi qua đây đã chia sẻ cảm thấy “rùng mình” vì cái tên này.
Ngày 26/8, người dân Hà Nội còn đang bồi hồi với hai cái tên đẹp được đặt cho hai con đường cũng tuyệt đẹp ven Hồ Tây là đường Trịnh Công Sơn và đường Nguyễn Đình Thi; thì đến những ngày đầu tháng 9 vừa qua, sau bức ảnh của PGS Hà Đình Đức đăng trên trang facebook của mình về con đường mang tên có một không hai “Ướp Lạnh”, lại khiến cư dân mạng dậy sóng vì sự “vô trách nhiệm” với tên đường phố của Thủ đô.
Đường “Ướp lạnh” chính là đoạn đường nối từ cuối điểm đường Hồ Tùng Mậu giao cắt với đường 32 chạy tới làng Phú Đô, giao với Đại lộ Thăng Long. Tấm biển ghi tên đường đã được dựng lên khá lâu.
Nhiều người dân đi qua đây đã chia sẻ cảm thấy “rùng mình” vì cái tên này, nhưng chỉ đến khi PGS Hà Đình Đức lên tiếng chất vấn lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thì các cơ quan chức năng mới “ngã ngửa” ra rằng có một con đường mang tên như thế giữa Thủ đô Hà Nội. Một cái tên chưa hề được phê duyệt và cũng chưa hề được ai quyết định đặt cho con đường này.
Ban đầu, nhiều người còn cho rằng đó là một tấm biển “chế” trên mạng, rồi cũng có những ý kiến cho rằng chắc người dân tự dựng lên biển tên đường. Nhưng hóa ra, tác giả của tên đường “Ướp Lạnh” là Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội (đơn vị thuộc Sở GTVT Hà Nội).
Lãnh đạo công ty đã cho công nhân gắn biển tên đường “Ướp Lạnh”, với một lý do vô cùng khó chấp nhận: “Đây là tuyến đường nằm trong phạm vi quản lý của công ty. Khi đường Hàm Nghi được điều chỉnh độ dài thì anh em cũng cho gắn thêm cạnh đó đường Ướp Lạnh”.
Còn vì sao có tên là đường “Ướp Lạnh”, thì theo lý giải của một số người dân ở khu vực này, có thể xuất phát từ việc thói quen nhiều người hay gọi miệng con đường này là đường “Ướp Lạnh”, hay đường “Đông Lạnh”, đường K2, vì trước đây từng có một xí nghiệp sản xuất đá đông lạnh cấp đá trong việc ướp thực phẩm của thành phố nằm trên con đường này.
Ngay sau khi cái tên đường được “lan truyền” với tốc độ chóng mặt trên mạng và nhận được phản ứng khá gay gắt của xã hội cũng như giới truyền thông, chiều 4/9, đích thân ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu quận Nam Từ Liêm báo cáo và giải thích rõ sự việc.
Cũng lúc đó, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm mới biết đến sự hiện diện của tên đường và khẳng định quận không hề đặt tên cho đường. Cũng ngay lập tức, trưa ngày 4/9, tấm biển tên đường được dỡ bỏ.
Phản ứng của lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội như thế là nhanh và kịp thời. Tuy nhiên, như đã nói trên, vấn đề đặt ra là tại sao lại có việc một con đường được đặt tên tùy tiện như vậy và tại sao một công ty lại có quyền tự dựng biển tên đường theo ý mình như vậy? Như chia sẻ của một bạn đọc: “Tên đường phố phải do Hội đồng nhân dân thành phố xét duyệt, sao lại có chuyện một công ty cổ phần nào đó được quyền đặt tên, gắn biển?”.
Và như một bạn đọc khác bức xúc: “Còn nhiều nhà văn, người có công chưa được đặt tên đường, thế mà lại có tên đường "Ướp Lạnh". Chuyện ở giữa Thủ đô đấy sao?”. Điều đáng nói, cái tên “khó tả” này lại được đặt ngay cạnh biển tên đường “Hàm Nghi” - một vị vua yêu nước nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, chính vì vậy sự phản cảm của nó càng lớn hơn.
Theo quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ - CP của Thủ tướng Chính phủ về đặt tên đường phố, đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây: Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt; danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội; tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương; tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài.
Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
Còn theo quy định của thành phố Hà Nội, “việc đặt, đổi tên đường phố, công viên, quảng trường, công trình văn hóa sẽ do HĐND thành phố phê duyệt, ra nghị quyết trong các kỳ họp hàng năm.
Thực hiện theo các bước: Lập danh mục; tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng; lập hồ sơ chi tiết và lấy ý kiến của chính quyền quận, huyện; trình Hội nghị tư vấn đặt tên đường phố xem xét và báo cáo UBND và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - PV)”.
Quy định đã có, vậy lý gì có việc một đơn vị được tự ý đặt tên đường phố? Và nên chăng, xử lý với sai phạm này, chỉ dừng ở việc dỡ bỏ tấm biển ghi tên đường là xong?
Anh Minh - Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất