22/01/2017 07:23 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đã xa hẳn rồi tiếng pháo đêm giao thừa hằn sâu trong trí nhớ mọi con người Việt từ thế hệ 8X trở đi; Tiếng pháo nổ giòn tan, mùi pháo đặc trưng và xác pháo đỏ trước hiên nhà mang đậm nét văn hóa tâm linh ngày Tết đó là xua đuổi tà ma, xui xẻo, tiễn đưa cái cũ và đón mọi điều may mắn về nhà trong thời khắc 0 giờ lịch sử của năm.
Cấm pháo nổ cũng phải thôi khi nổ pháo đã trở thành cuộc ganh đua nổ pháo tốn kém bất tận đến hàng ngàn tỷ trong xã hội. Cấm pháo cũng phải thôi khi xác pháo, mùi pháo đã gây ôi nhiễm môi trường đáng kể. Cấm pháo cũng phải thôi khi vô số hậu quả tai nạn bi thương xảy ra mà đặc biệt trong trẻ nhỏ... tuy nhiên cũng có thể nói việc mất tiếng Pháo cũng làm cho cái tết "Nhạt" đi 1 phần.
Ảnh tư liệu
Đã xa hẳn rồi cái thời háo hức mặc áo mới, tô son choe choét đi chụp cái ảnh đầu xuân Tết; cũng phải thôi khi cái áo mới không còn quá thiêng liêng khi ai cũng dễ dàng có. Cũng phải thôi khi ngày xưa đón được thợ chụp ảnh đến xóm thì phải hẹn trước cả ngày còn thời nay thì ai cũng có chiếc điện thoại cảm ứng có khả năng chụp ảnh chất lượng có thể giương lên tự sướng bất kể khi nào.
Cũng phải thôi khi chỉ cần dùng phần mềm photoshop, 360° là sẽ có ngay một bức ảnh đẹp cần gì phải tô tô, vẽ vẽ phấn son chụp ảnh và để rồi có những bức ảnh trông thật ngô nghê đến buồn cười nhưng cũng đậm nét hương vị Tết xưa mà gần như ai cũng có để hoài niệm nhìn lại mình sau 1 năm.
Đã xa rồi cái thời nhà nhà gói bánh chưng; nấu bánh chưng trong sân nhà bằng bếp củi hồng thâu đêm lạnh. Các thế hệ cạnh nhau bên bếp lửa trò chuyện: bà kể chuyện thời chạy loạn; ông kể chuyện kháng chiến... lũ cháu mắt to tròn bên nồi bánh chưng sôi bùng bục mà đôi mắt luôn ánh lên một niềm hy vọng cháy bỏng rằng.... cái bánh chưng bé xíu mà bà gói riêng cho mình sắp chín.
Cũng phải thôi khi mà một cái bánh chưng ngon có thể dễ dàng mua được ở chợ với giá vài chục ngàn và khi mà ai cũng bận bịu trước công việc, chẳng đủ thời gian; không gian mà nấu cái nồi bánh chưng mất cả 2 ngày từ khâu chuẩn bị. Cũng phải thôi khi mà cái ăn không còn là thứ hiện nay thiếu; lũ trẻ cũng chẳng háo hức với chiếc bánh chưng đầy truyền thống mà chỉ quan tâm đến việc được nghỉ và đóng cửa phòng chơi các trò chơi trên máy tính; điện thoại...
Rồi năm nay cấm bắn pháo hoa trên toàn quốc; sẽ chẳng còn ai háo hức đến các điểm cầu để tìm kiếm một chút Tết còn rớt lại trong tiềm thức lũ trẻ và chắc hẳn thật khó để lay chúng dậy trong đêm giao thừa để chẳng đón một cái gì. Cũng phải thôi khi bắn pháo hoa cũng phải tốn đến hàng tỷ trong khi cũng hàng ngàn người đang thiếu từng miếng ăn, chiếc áo trong những con lũ lịch sử. Việc không bắn pháo hoa như là một sự sẻ chia với sự mất mát khó khăn với đồng bào miền trung máu thịt.
Ảnh tư liệu
Tuy nhiên có lẽ cũng nên nhìn nhận việc bắn pháo hoa là một nét văn hóa; cũng là phục vụ tinh thần cho mọi người dân, trong đó có những người dân nghèo bởi theo góc nhìn của tôi (có thể là phiến diện) thì tôi thấy đa số người dân nghèo thường háo hức chở nhau trên chiếc xe máy đi xem pháo hoa; một niềm vui tuy nhất thời nhưng cũng đủ làm họ quên đi 1 năm cơ cực và hy vọng một năm mới may mắn. Ngược lại số có điều kiện thì thường ở nhà chúi mặt vào cái tivi to như cái giường hoặc vẫn còn tổ chức đi ăn nhậu, tiếp khách.
Cái Tết cũng dường như nhạt dần khi chủ nghĩa "xê dịch" đã ngấm vào trong bộ phận thanh niên trẻ mới lập gia đình ngày càng sâu, càng rộng. Họ coi ngày tết là một trong những ngày nghỉ hiếm hoi nên tận dụng nó để đi du lịch, nghỉ dưỡng xa nhà, bỏ mặc lại cái Tết truyền thống chỏng chơ... nhạt thếch!
Chưa bao giờ có cái Tết nhạt đến thế, nhạt đến mức mà một số nhà khoa học; một vài Tiến sỹ trẻ đề xuất bỏ Tết Âm để cho phù hợp với xu thế thời đại... Những ý kiến này quả thực phiến diện một chiều nhưng cũng là một điều báo động về một nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc Việt đang rất "Nhạt".
Chỉ duy nhất có một điều không bao giờ thay đổi, không bao giờ "Nhạt", đó chính là tình yêu thương của người Mẹ, người Cha. Họ vẫn luôn, cần mẫn, tận tụy chăm sóc ban thờ tổ tiên đầy thành kính; họ vẫn luôn lo lắng, ưu tư từng giây phút cho những đứa con; đàn cháu mình có an toàn và khỏe mạnh, vui vẻ trong ngày Tết. Họ khắc khoải chờ đợi giao thừa và thèm được con cháu bên cạnh mình để chúc phúc dặn dò...
Thời khắc giao thừa trong bàn tay ấm áp và trong ánh mắt hạnh phúc, yêu thương của cha mẹ đối với những đứa con không bao giờ lớn mới chính là cái Tết đậm đầy truyền thống của con người Việt.
Hãy trở về bên cha mẹ, hãy cùng họ đón giao thừa bởi chúng ta không còn nhiều cơ hội trong tương lai làm điều đó và bởi đây là điều duy nhất mà cái Tết không Nhạt!
Lê Mạnh Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất