07/09/2020 19:11 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Trò chơi truyền hình (game show) vẫn đang khuynh đảo nhu cầu giải trí, nhất là thời gian xảy ra Covid-19, hạn chế tụ tập đông người. Chính vì vậy, nhiều người đang gặt hái được thành công từ game show, trong đó có các diễn viên trẻ, mà Võ Tấn Phát là một ví dụ. Dẫu vậy, trong mắt công chúng khó tính, diễn viên trẻ diễn game show là chưa đủ nội lực để khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật.
Võ Tấn Phát từng đoạt quán quân Cười xuyên Việt (2017), quán quân Cặp đôi hài hước (2018) và giải Ba chương trình Gương mặt thân quen (2019)…
Hiện Võ Tấn Phát đang tham gia game show Én vàng phiên bản nghệ sĩ 2020, với mục tiêu sẽ hoàn thiện khả năng ngôn ngữ để có thể dẫn dắt cả một chương trình.
Võ Tấn Phát chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về quan niệm nghề diễn viên với game show.
* Có nhiều ý kiến cho rằng diễn viên game show chỉ được cái phản ứng lanh lẹ, nhưng diễn thì hời hợt, thiếu chiều sâu. Anh có nghĩ vậy không?
- Tôi nghĩ rằng loại hình nào cũng có người diễn sâu sắc và hời hợt, chứ không riêng gì game show. Tôi biết rất nhiều anh chị, bạn bè, đồng nghiệp đã và đang rất thành công trong sự nghiệp diễn xuất từ game show. So với một số bạn bè cùng trang lứa, đang phải chờ việc dài dài, nhiều người nói tôi may mắn khi bước ra từ những cuộc thi trên sóng truyền hình, có được đất diễn và công việc từ game show. Theo suy nghĩ riêng, tôi thấy game show đã cho tôi rất nhiều điều, từ kinh nghiệm, sự dạn dĩ, khả năng ứng biến nhanh nhẹn, đặc biệt là được khán giả biết đến nhiều hơn.
Mỗi loại hình đều có tính chất và khán giả riêng. Dĩ nhiên những câu chuyện và nhân vật trên game show với khoảng 10-15 phút thì người diễn viên làm sao có đủ điều kiện để lột tả nó chân thật và đủ độ sâu bằng điện ảnh, hoặc sân khấu kịch nói, với thời lượng dài hơn rất nhiều. Nhưng cái mà game show mang lại đó chính là nhịp sống của giải trí thời đại, sự gãy gọn, súc tích của tác phẩm, đòi hỏi người diễn viên phải nhạy bén, thông minh, nhưng cũng không thiếu sự tinh tế, sâu lắng.
* Vậy thì anh đến với game show từ duyên cớ nào?
- Năm 2016, khi vừa tốt nghiệp, lúc đó thị trường game show, đặc biệt là game show hài hoạt động rất sôi nổi, tôi bị lôi cuốn. Tôi đánh liều đi thi nhiều chương trình, với suy nghĩ rằng mình cần phải “tồn tại - khẳng định - tỏa sáng”, rằng mình phải được làm nghề trước cái đã, rồi hẳn nghĩ đến chuyện làm điều mình thích.
Từ khi còn ngồi trong nhà trường, tôi đã nghĩ nghề diễn và sự thành công là cả một bài toán dài, cần quyết tâm cùng sự may mắn. Tôi thấy mình may mắn khi đã sớm quyết định chọn game show để “khởi nghiệp”, bởi đến nay game show vẫn còn sức sống mạnh mẽ, là đất sống của nhiều diễn viên, trong đó có tôi.
* Từ nhỏ anh đã ước mơ làm diễn viên, hay là nghề diễn đến với anh khá tình cờ?
- Tôi sinh ra trong một gia đình có 2 anh em, ở xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cha mẹ là nông dân, giống như bao gia đình trong xóm, đến khoảng đầu năm 2010 thì gia đình mới chuyển sang buôn bán nhỏ ở chợ xã. Ngày nhỏ tôi tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ đoàn, đội của trường. Nhưng lúc đó cũng chưa nghĩ sau này lớn lên mình sẽ làm gì, chỉ thấy thích những công việc liên quan đến cái đẹp và sự sáng tạo. Đến khi học xong lớp 12, tôi mới xác định thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, lúc ấy ước mơ mới chớm lộ. Nhưng cũng biết rằng học thì học vậy, còn có thành được diễn viên hay không thì chưa biết.
* Học giỏi từ nhỏ, lại có thanh sắc vóc sáng sủa, anh có dễ dàng thi đậu không?
- Đó là một kỷ niệm đau đớn. Khi thi tuyển đầu vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM ở năm đầu tiên, tôi bị đánh trượt vì thiếu kinh nghiệm và cả sự may mắn. Lúc đó tôi khá buồn và hoang mang, vì tôi chỉ kiên quyết nộp đúng một bộ hồ sơ vào trường này. Học lực của tôi đủ để vào một số trường khác, nhưng tôi không nộp thêm hồ sơ nào. Một thân một mình ở Sài Gòn, không bà con họ hàng, tôi như chú chim non bị đẩy khỏi tổ và bắt buộc mình phải đập cánh. Tôi làm nhiều nghề như phục vụ nhà hàng tiệc cưới, phát tờ rơi, phục vụ quán cà phê… để bám trụ, với ước mơ năm sau phải thi đậu. Trời thương, năm thứ 2, tôi đã thi đậu vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, khoa diễn viên.
* Nhờ học bài bản, anh đã từng có vai quản giáo Thắng trong vở chính kịch “Tiếng giày đêm”, để lại ấn tượng tốt trong lòng người xem. Anh hãy nói đôi chút về vai diễn này, cũng như vì sao anh rời xa sân khấu để chọn game show?
- Năm 2018, tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở TP.HCM, tôi may mắn được giao cho một vai nhỏ trong vở Tiếng giày đêm của NSND Trần Minh Ngọc. Theo kịch bản ban đầu, vai này chỉ xuất hiện đúng một lớp diễn nhỏ, với vỏn vẹn một trang thoại, nên trong lòng chỉ nghĩ góp vui cùng anh chị để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng lúc lên sàn tập, cũng nhờ các anh chị chỉ dẫn để phát triển thêm vai diễn, nhất là các mảng miếng hài, nên mới có được ấn tượng như vậy. Tới đó thôi đã thấy mình quá may mắn và hạnh phúc rồi, đâu ngờ vai Thắng lại được trao huy chương Bạc cho hạng mục diễn viên.
Còn tại sao chuyên tâm với game show? Vì thực tế cho thấy cơ hội của những diễn viên trẻ chưa có tiếng tăm là rất ít, cho nên được loại hình nào mời cũng là may mắn, nên phải nhận lời. Hiện tại tôi cũng đang cộng tác với Kịch Hoàng Thái Thanh, Kịch Thế Giới Trẻ, Kịch 5B, Kịch Quốc Thảo… để diễn kịch dài. Tất cả đều cho tôi cơ hội trau dồi nghề nghiệp, tăng thêm sự hiện diện và thu nhập. Một bên cho tôi sự nhạy bén, với đối tượng khán giả rộng khắp. Một bên cho tôi sự chín chắn, thăng hoa cảm xúc và phát huy các giá trị nghề nghiệp.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Tam Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất