09/07/2025 16:07 GMT+7 | Tin tức 24h
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về đánh giá diện rộng cấp quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Thông tư này được ban hành sẽ thay thế Thông tư 51/2011/TT-BGDĐT ngày 3/11/2011 quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thông tư hiện hành chỉ áp dụng đối với các kỳ đánh giá định kỳ cấp quốc gia do Việt Nam chủ trì, nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mà chưa điều chỉnh đối với các kỳ đánh giá quốc tế có sự tham gia của Việt Nam. Trong khi đó, thời gian qua và trong những năm tới, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia nhiều chương trình đánh giá quốc tế như PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15 của OECD); SEA-PLM (Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh Tiểu học khu vực Đông Nam Á); TALIS (Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học của OECD). Các chương trình này đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đồng thời hướng dẫn triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc tới các tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Để phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo Thông tư mới đã mở rộng bao gồm cả "Đánh giá diện rộng quốc gia" và "Đánh giá diện rộng quốc tế". Dự thảo mới cũng quy định rõ việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, xác định cụ thể cơ cấu, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức tổ chức thực hiện của Ban Điều hành, Ban Kĩ thuật cấp quốc gia, cũng như cơ cấu thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng khảo sát cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về quy trình thực hiện, dự thảo Thông tư mới điều chỉnh cả nội dung và hình thức đánh giá. Cụ thể, nội dung đánh giá là các yêu cầu cần đạt đối với những môn học tham gia đánh giá, được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh trong giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập và cuộc sống. Ngoài ra, bổ sung việc đánh giá môn Tiếng Anh đối với học sinh lớp 9 và lớp 11.
Hình thức đánh giá được thực hiện đa dạng, có thể khảo sát trên giấy, trên máy vi tính hoặc kết hợp cả hai hình thức. Trong trường hợp cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể bổ sung các kỳ khảo sát, bên cạnh các kỳ khảo sát định kỳ cấp quốc gia và quốc tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có) để thực hiện các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo quy định. Đồng thời, ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các chương trình này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạọ Nguyễn Kim Sơn hỏi thăm thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên. Ảnh: Hoàng Hùng -TTXVN
Kinh phí thực hiện các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bố trí, sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 51/2011/TT-BGDĐT ngày 3/11/2011 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia của Việt Nam. Khi được ban hành, Thông tư mới sẽ góp phần cung cấp định kỳ các thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cơ sở để đề xuất chính sách, giải pháp đổi mới hoạt động dạy và học, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng, thúc đẩy hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất