08/08/2015 06:07 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 7/8, tại Gallery Lạc Trường Xuân (16 Trần Quý Hoạch, Q.1, TP.HCM), diễn ra triển lãm Danh nhân Việt Nam qua nét cọ của Chóe.
Triển lãm này được quảng bá với những cái nhất: “Lần đầu tiên trưng bày bộ sưu tập tiền tỉ hý họa của Chóe, Bộ sưu tập tiền tỉ danh nhân Việt Nam qua nét cọ của Chóe, Danh nhân Việt trong bộ sưu tập tiền tỉ tranh hý họa Chóe”.
Tác phẩm của họa sĩ Chóe được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và sau hơn 10 năm họa sĩ qua đời, các tác phẩm ấy càng có giá về hiện kim.
Thế giới quan của Chóe
Họa sĩ Chóe, tên thật Nguyễn Hải Chí, sinh năm 1943 tại Chợ Mới, An Giang; mất 2003 tại Mỹ, an táng tại Định Quán, Đồng Nai. Năm 1992, ông mở triển lãm Nhân vật của Chóe với rất nhiều chân dung người nổi tiếng mà ông từng vẽ.
Họa sĩ Chóe xuất hiện trên nhật báo Sóng thần vào tháng 9/1971 và nổi tiếng năm 1972 khi nhiều báo nước ngoài xuất bản tại Mỹ, Pháp, Đức trích in các tác phẩm của ông trên Sóng thần. NXB Glade Pulications (Mỹ) xuất bản tập tranh The World Of Chóe năm 1973 khiến tên tuổi Chóe càng được thế giới biết đến nhiều hơn.
Khi nhật báo Sóng thần bị thu hồi giấy phép do chống tệ nạn tham nhũng của chính quyền Sài Gòn, nhiều ký giả của tờ báo này bị vu là “cộng sản nằm vùng” và bị bắt giam. Họa sĩ Chóe cũng bị bắt giam với các đồng nghiệp. Ngày 30/4/1975, Chóe tự ra khỏi nhà giam của An ninh quân đội chế độ cũ.
Sau năm 1975, nhất là sau thời kỳ đổi mới, Chóe được nhiều tờ báo lớn trong nước mời cộng tác. Góc tranh của Chóe trên báo Lao động một thời trở thành “đặc sản” của tờ báo này, cũng như trên nhiều tờ báo khác và được đọc giả đón xem.
Họa sĩ Chóe không chỉ vẽ tranh, ông còn viết truyện, làm thơ và sáng tác nhạc. Tuy nhiên, nói đến Chóe, người xem nhớ đến ông với quan niệm: “Tôi vẽ hí họa chứ không phải biếm họa”. Ông nói: “Xin bạn hãy cùng tôi gọi con đường này là hí họa, vì hí họa là con đường rộng và lòng ta rộng theo…”.
Các bộ tranh hí họa và cũng là các “nhân vật của Chóe” được nhiều người nhắc đến, gồm: 42 đời tổng thống Mỹ, Phụ nữ đoạt giải Nobel, Phụ nữ nước tôi, Văn nghệ sĩ, Thế giới của Chóe… Thế giới quan của Chóe thể hiện rất rõ qua các bức họa dưới góc nhìn của ông.
Hai góc nhìn về Trịnh Công Sơn
Triển lãm lần này trưng bày 30 chân dung “danh nhân Việt Nam” qua góc nhìn của Chóe. Các tác phẩm này được Chóe thực hiện vào năm 1995 do nhà sưu tập Hàn Đức Minh đặt hàng. Sau này, Hàn Đức Minh chuyển nhượng lại cho một nhà sưu tập ẩn danh. Được biết, bộ sưu tập chân dung này không dừng lại ở con số 30 chân dung.
30 chân dung Chóe vẽ triển lãm lần này, gồm: các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Trần Văn Khê, Lê Thương, Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Công Sơn, các nhà thơ Bùi Giáng, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên..., các nhà văn: Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài..., học giả Đào Duy Anh, Vương Hồng Sển.
Các góc nhìn của Chóe về những nhân vật nổi tiếng của Việt Nam rất đa dạng. Với một chân dung, Chóe nhìn ngắm nhiều lần và vẽ nhiều lần khác nhau. Như Trịnh Công Sơn, Chóe vẽ không dưới một lần.
Trong triển lãm này, Trịnh Công Sơn qua góc nhìn của Chóe được bao phủ bởi những bản tình ca. Nhưng Trịnh Công Sơn trong một góc nhìn khác lại được thể hiện với một cây ghi-ta có rễ bám vào đất còn các dây đàn là dây kẽm gai. Hai bức tranh này cho thấy, Trịnh Công Sơn không chỉ là nhạc sĩ của các bản tình ca, mà còn của các ca khúc phản chiến một thời được “người da vàng” yêu thích. Điều này còn chứng tỏ, Chóe không nhìn nhân vật theo một chiều định sẵn mà luôn đặt trong sự đa dạng của họ.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất