16/05/2016 13:31 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Công an TP. HCM đề xuất thành lập lực lượng SBC - Săn bắt cướp vang bóng một thời.
Hẳn nhiều người sẽ nhớ bộ phim mang cái tên rất hình sự như trên của đạo diễn Trần Phương đã "làm mưa làm gió" trên màn ảnh những năm cuối thập niên 80 và thập niên 90 thế kỷ trước, với những gương mặt như Trọng Trinh, Thương Tín, Lê Khanh.
Bộ phim tái hiện một sự thật rằng cuộc đấu tranh với cái ác không bao giờ dứt. Trên con đường truy tìm những tên cướp khét tiếng và đồng bọn, người chiến sĩ cảnh sát luôn phải cận kề nguy hiểm, chấp nhận hi sinh.
Đề xuất này gợi lại ký ức về những chiến sĩ cảnh sát được xem như huyền thoại của thành phố những năm trước. Theo tài liệu của ngành công an, Đội SBC ra đời tháng 3/1978 trong bối cảnh tình hình tội phạm ở thành phố đặc biệt nghiêm trọng, cứ 40 phút lại xảy ra một vụ cướp. Trong hơn ba năm từ 1975 đến 1978 chúng đã cướp đi sinh mạng của 170 người và hàng nghìn lượng vàng.
Thành viên Đội SBC là những cảnh sát ưu tú, lái xe điêu luyện, bắn súng thiện xạ, ra tay nhanh như chớp, được quyền chạy xe hết tốc độ vào đường cấm, được bắn hạ tội phạm có vũ khí sau những viên đạn cảnh cáo.
Hình ảnh chiến sĩ SBC trên xe Honda 67 trở thành nỗi khiếp đảm của tội phạm và chỗ dựa của nhân dân. Chỗ dựa tinh thần nhiều khi rất quan trọng trong xã hội vốn nhiều bất an.
Ý tưởng tái lập đội SBC bắt nguồn từ chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Nó không chỉ xuất phát từ “tối hậu thư” của vị Bí thư với công an thành phố rằng “trong 3 tháng tới phải kéo giảm tình trạng tội phạm một cách rõ rệt” mà có lẽ, hơn hết, nó xuất phát từ tình hình thực tế nóng bỏng khi thành phố liên tiếp những vụ cướp kinh hoàng tưởng như trong phim xã hội đen.
Chúng không chỉ cướp của rồi bỏ chạy, mà chúng tấn công hạ gục nạn nhân rồi mới cướp để tránh chống trả, nói cách khác chúng đoạt mạng nạn nhân trước khi cướp tài sản. Những vụ rúng động như chặt tay để cướp xe, chích súng điện hay dàn cảnh va chạm xông vào chém rồi cướp để ít ai dám can thiệp...
Thực tế, thành phố và một số tỉnh đã có những đội SBC là các CLB hiệp sĩ đường phố săn bắt cướp. Đã có sự hi sinh như “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh đã tử nạn khi đuổi bắt tội phạm, nhiều chiến sĩ săn bắt cướp khác đã phải nhập viện sau những lần đuổi cướp.
Họ đặt mạng sống của mình trong vòng nguy hiểm để đổi lấy sự bình an cho nhân dân, nhưng sự thật họ vẫn là đội SBC... nghiệp dư, đó là một nghĩa cử cao đẹp của những Lục Vân Tiên thấy sự bất bằng chứ không phải những người tinh nhuệ đang thực thi công vụ nguy hiểm.
Cái tên SBC cần phải trở lại đúng với uy danh và thương hiệu của nó. Lập lại hình ảnh SBC như thời xưa là một kế hoạch lớn chứ không đơn thuần chỉ là đổi một cái tên. Cũng có người lo rằng cần xem lại cụm từ săn bắt cướp này vì dễ gây phản cảm trong xã hội văn minh.
Tuy nhiên, như một ý kiến độc giả trên báo Tuổi trẻ: “Là người dân tôi thích cái tên “săn bắt cướp”, tôi thấy chẳng có gì phản cảm cả, nghe cái tên đã thấy nhiệm vụ và trách nhiệm rất rõ ràng. Phải xác định “săn - bắt” thì có tư tưởng đi tìm và bắt cướp, chứ không phải đợi ra đường thấy cướp rồi mới chạy theo đuổi.
Vì vậy, lực lượng này phải có sức mạnh thật sự, phải là niềm tin yêu của nhân dân và là nỗi khiếp đảm của kẻ cướp. Tuyệt đối không làm theo phong trào, hời hợt để rồi chết luôn biểu tượng oai hùng một thời của lịch sử”.
Chỉ cần không làm phong trào, tên tuổi đội SBC sẽ trở lại, khỏi lo “đầu voi, đuôi chuột” khiến người ta liên tưởng tới nhan đề cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng của Nhà văn Hồ Anh Thái “SBC là săn bắt chuột”. Như vậy, người dân sẽ thêm chỗ dựa vững chắc.
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất