28/02/2015 07:27 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 26/2 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút có gửi báo cáo về việc hỗn loạn ngày khai hội Gióng 24/2 lên Sở VH,TT&DL Hà Nội. Theo huyện Sóc Sơn, không có chuyện “ẩu đả” tại hội Gióng như báo chí đã đưa tin. Tuy nhiên, với những hình ảnh và clip phát tán trên các phương tiện truyền thông, bản báo cáo này gặp phản ứng dữ dội.
Để rộng đường dư luận, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ VH,TT&DL có cuộc trao đổi với TT&VH về quan điểm của Bộ.
Theo ông Tân: “Qua những hình ảnh báo chí đưa lên, việc ẩu đả là có. Cả hình ảnh những người mặt mày dữ tợn, cầm que cầm gậy có thể trở thành vũ khí với người khác là không thể chối cãi. Chúng ta không thể tin tưởng hoàn toàn các báo cáo!”
Dù là cá biệt, cũng không thể xem nhẹ
Ông Tân cũng lý giải: Bản chất con người rất sợ những lỗi lầm của mình. Thành tích ai cũng muốn nhận, làm sai không ai muốn nhận. Nên nhiều người muốn đổ lỗi cho người khác. Vì vậy, nếu chuyện này còn tái diễn, nếu báo chí không có bằng chứng cụ thể, Bộ sẽ rất khó để xử lý. Và câu chuyện sẽ lại quay về “hòa cả làng”, trách nhiệm không thuộc về ai và năm sau lại tái diễn.”
Cũng theo ông Tân, những hình ảnh không đẹp mắt xảy ra ở lễ hội như hội Gióng tuy là những hiện tượng cá biệt song không vì thế mà những người quản lý xem nhẹ. Ngược lại, các BTC lễ hội tại địa phương cần làm rốt ráo hơn nữa trong công tác tổ chức và điều hành lễ hội, tránh tình trạng con sâu bỏ rầu nồi canh.
“Lễ hội xảy ra ở địa phương, BTC lễ hội ở địa phương phải có trách nhiệm trực tiếp với tất cả những sự lộn xộn xảy ra” - ông Tân nói tiếp- “Chính quyền địa phương cần phải đứng ra viết cam kết cụ thể ngay từ đầu để tránh tình trạng nói chung chung rồi đứng ra xin lỗi là hết.”
Theo quan điểm của người phát ngôn Bộ VH,TT&DL, khi những người đứng đầu phải đứng mũi chịu sào, lễ hội sẽ được tổ chức và quản lý nghiêm ngặt hơn. Công tác vận động ý thức người thực hành tín ngưỡng cũng như du khách tham gia lễ hội sát sao hơn. Và từ đó, việc đổ lỗi “do ý thức người dân” cũng không còn.
Việt Nam không thiếu những lễ hội nhân văn
Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL, việc vội đánh giá những hiện tượng trên của lễ hội cũng cần cẩn trọng, khách quan với những bằng chứng, nhân chứng cụ thể. Kể cả nguồn ảnh cũng được xác minh chính xác xem đề phòng trường hợp lồng ghép, dàn dựng. Bởi vậy, “chuyện này có hay không hình ảnh ẩu đả tại hội Gióng, các nhà báo đang có những chứng cứ trong tay và cần làm rõ điều này” - ông Tân cho biết.
Về việc ứng xử với “lệ cướp hoa tre” ở hội Gióng, ông Tân chia sẻ: Đây có phải tín ngưỡng truyền thống không cần xem lại. Theo tôi, ngoài những người tổ chức, đây là lỗi của cả những người tham gia và cả những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng. Chẳng thánh thần nào phù hộ cho người ăn cướp và dẫm đạp lên người khác. Việc dùng gậy gộc, cướp đoạt, chiếm đoạt “lộc” là phi văn hóa và vô ích.
Người phát ngôn Bộ VH,TT&DL cũng dẫn chứng về một nghi thức lễ hội phô trương sức mạnh trong ngày hội mà không gây tổn thương cho người khác là trò chơi dân gian leo cột mỡ lấy lộc. “Về bản chất nó cũng là hái lộc, cướp lộc bằng sức mạnh, sự khéo léo. Song lộc về không bằng việc dẫm đạp lên người khác mà bằng tài năng, trí tuệ người tham gia. Nó nhân văn, ý nghĩa và thiêng liêng gấp bội việc lấy lộc bằng dẫm đạp người khác.”- Ông Tân nói.
Ông Tân cũng thừa nhận rằng Bộ luôn lo lắng chế tài xử phạt chưa đủ sức mạnh răn đe. Ông cho hay, các cơ quan quản lý đang tham mưu lại những nghị định xử phạt, những thông tư hướng dẫn để chế tài thêm sức nặng, tránh tình trạng “nhờn luật”.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất