26/07/2014 14:37 GMT+7 | Văn hoá
Chuyến trở về quê hương lần này của nhạc trưởng Lê Phi Phi khá đặc biệt vì ngoài công việc, anh còn đưa vợ và con trai về thăm gia đình. Vợ anh - nghệ sĩ violin Lidia Dobrevska - cũng sẽ cùng biểu diễn với chồng trong khuôn khổ Hòa nhạc Giai điệu Thắp sáng niềm tin với chủ đề Bản Tango mùa Thu (diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 29/7 và tại Nhà hát TP.HCM vào tối 1/8 tới. Lê Phi Phi khá hào hứng khi tham gia chương trình có ý nghĩa gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi.
Chọn thể loại gần gũi với đại chúng
* Một chương trình có ý nghĩa từ thiện xã hội, nhưng chắc hẳn cũng phải được đầu tư về nghệ thuật để mang lại cảm xúc cho người xem chứ, thưa anh?
- Sau khi bàn bạc, ê kíp quyết định chọn Tango - thể loại âm nhạc kinh điển nhưng phổ biến với đại chúng. Nếu chỉ là cổ điển thuần túy thì chương trình sẽ rất kén khán giả. Hai nghệ sĩ quốc tế là nghệ sĩ bandoneon Aleksandar Nikolic và nghệ sĩ violin Lidia Dobrevska sẽ giới thiệu tới khán giả Việt Nam những giai điệu Tango nổi tiếng của các nhạc sĩ Argentina.
* Tôi đã tìm hiểu qua mạng thì được biết tại Serbia, Aleksandar Nikolic là một nghệ sĩ nổi tiếng. Anh có gặp khó khăn gì khi thuyết phục anh ấy đến biểu diễn tại Việt Nam không?
- Tôi từng có nhiều năm cộng tác với Nikolic. Anh ấy chơi đàn bandoneon từ hơn 20 năm nay. Trong chương trình Bản Tango mùa Thu, ngoài các tác phẩm nổi tiếng của Argentina, anh ấy sẽ chơi các nhạc phẩm mang âm hưởng văn hóa vùng Balkan do chính anh ấy sáng tác.
* Trong một cuộc trò chuyện với Thể thao &Văn hóa, anh từng bày tỏ lo lắng rằng, âm nhạc cổ điển cũng như nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm khác sẽ chỉ đi xuống nếu không có chính sách từ nhà nước và đầu tư từ các doanh nghiệp. Tháng 7-8/2014 này “nở rộ” các hòa nhạc cổ điển do các thương hiệu hỗ trợ thực hiện. Anh có thấy mừng?
- Đáng mừng chứ. Trên thế giới nếu tư nhân không hỗ trợ văn hóa, thể thao, nhà nước không thể bao cấp hết được. Ở các dàn nhạc lớn của thế giới, Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần nào về ngân sách, và họ phải tự tổ chức, bán vé, và tất nhiên là có tài trợ để tồn tại. Không phải nói thì mọi người đều biết, một nghệ sĩ cổ điển phải khổ luyện như thế nào để có thể “đứng” trên sân khấu. Biên chế dàn nhạc thường 50-60 người chứ không gọn nhẹ như dàn nhạc nhẹ. Đấy là chưa kể đến ballet, hợp xướng...
Tài trợ cũng phải có văn hóa
* Anh nghĩ sao về cái gọi là “văn hóa tài trợ”?
- Mỗi loại hình nghệ thuật có khối tài trợ riêng nhưng thường thì doanh nghiệp có nguồn tài chính lớn, muốn thương hiệu của mình được thêm sang trọng, đẳng cấp thì thường chọn tài trợ cho nhạc cổ điển. Nói thế, ý không phải là nhạc cổ điển “sang” hơn nhạc thị trường. Nhưng chắc chắn, tài trợ cũng phải có văn hóa. Không thể bắt tôi làm gì đó vì tiền. Nếu nhà tài trợ bắt chỉ huy mặc quần đùi lên sân khấu vì ông ấy/bà ấy trả tiền cho tôi thì tôi không bao giờ làm (cười).
* Cảm xúc trong cuộc trở về lần này của một người Việt xa quê và nghệ sĩ?
- Tôi về Việt Nam gần 3 tháng, đưa cả vợ, con trai về thăm gia đình, thăm quê và tham gia các chương trình biểu diễn. Vì thế, nếu các lần trước cảm xúc là 100% thì lần này là 200% (cười lớn).
* Sống cùng vợ con ở châu Âu, anh có duy trì nếp sống của người Việt?
- Trước hết, tôi trang trí nhà hoàn toàn thuần Việt. Đồ gỗ đều đặt từ VN sang, cả bộ tủ chè, sập gụ khảm trai. Tranh, ảnh cũng toàn từ Việt Nam. Nhà tôi thường xuyên nấu cơm Việt. Tôi huấn luyện con trai ăn nước mắm. Còn vợ tôi rất thích các ăn món Việt Nam.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất