25/08/2020 06:37 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Novak Djokovic đã có mặt ở New York để chuẩn bị cho US Open 2020. Anh cũng dành chút thời gian để chia sẻ với phóng viên New York Times về dịch Covid-19, về chuyện sử dụng vắc-xin, về Adria Tour, và những kế hoạch của mình.
Các tay vợt dự US Open 2020 được Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) xếp cho ở khách sạn gần khu vực thi đấu, nhưng Djokovic thì tự thuê một căn hộ riêng ở ngoại ô New York, nép mình giữa những tán cây, và tránh xa sự náo động. “Tôi thật may mắn khi được ở trong một môi trường thanh bình, nhiều cây như thế này”, Djokovic nói trên Zoom sau khi vừa tắm nắng trên sân thượng, “USTA đã cố gắng hết sức để cung cấp chỗ ở và sắp xếp mọi thứ, nhưng thật khó khăn cho các tay vợt khi phải ở trong các căn phòng nhỏ của khách sạn và không thể mở cửa sổ để tận hưởng không khí”.
Không hối tiếc về Adria Tour
Djokovic có lý do để có mặt tại US Open 2020 khi mà vẫn đang xếp số một thế giới, và sở hữu thành tích hoàn hảo 18-0 trong năm 2020. Nhưng 5 tháng qua là khoảng thời gian không hề yên bình của Nole. Anh gây tranh cãi vì phản đối sử dụng vắc-xin, vì tổ chức Adria Tour dẫn đến một số ca nhiễm Covid-19, trong đó có chính anh và cô vợ Jelena.
“Đúng là một số khâu tổ chức cần phải thực hiện khác đi”, Djokovic nói về việc tổ chức Adria Tour, “Nhưng liệu tôi có đáng mãi bị chỉ trích. Có một điều tôi chắc chắn: Ý đồ của mình là đúng đắn, và nếu có cơ hội, tôi sẽ vẫn làm như thế”. Có thể nhận thấy sự pha trộn về cảm xúc của Nole, vừa hối lỗi vừa thách thức.
Adria Tour là giải đấu mà khán giả được phép vào sân, khẩu trang được khuyến khích đeo nhưng không bắt buộc. Các tay vợt vẫn ôm nhau ăn mừng, đập tay, và thậm chí còn nhảy múa trong một hộp đêm ở Belgrade. “Tôi thừa nhận là mọi chuyện đã đi chệch hướng trong vụ hộp đêm. Nhà tài trợ tổ chức sự kiện ấy. Họ mời các tay vợt. Chúng tôi thấy thoải mái, mọi người đã rất vui vẻ, hạnh phúc”. Thời điểm ấy, số ca nhiễm virus corona ở Serbia và Croatia khá thấp, dẫn đến tâm lý chủ quan.
Mặc dù vậy, Djokovic vẫn khẳng định rằng Adria Tour cũng có giá trị nhất định trong việc gây quỹ chống virus corona ở Serbia và Ý. Bản thân Nole và vợ cũng đã từ thiện không ít cho hoạt động này. “Tôi không nghĩ mình đã làm điều gì tồi tệ. Tôi thấy tiếc cho những người nhiễm virus corona. Nhưng tôi có cảm thấy tội lỗi vì bất cứ ai bị lây nhiễm ở Serbia và Croatia không? Dĩ nhiên là không”.
Trải nghiệm Covid-19
Triệu chứng của Djokovic khi nhiễm virus corona là khá nhẹ, kéo dài 4-5 ngày. Anh bảo rằng mình không bị sốt, nhưng cảm thấy mệt mỏi, mất khứu giác và vị giác đồng thời sức bền của anh giảm trông thấy khi tập luyện trở lại. Djokovic theo trường phái dinh dưỡng trên nền tảng thực vật và chữa bệnh tự nhiên, nên anh đã tự theo dõi chặt chẽ bản thân và xem xét những ảnh hưởng lâu dài. “Tôi đã chụp CT ngực và cảm thấy OK. Tôi cũng làm vài bài test kể từ khi âm tính với virus corona trước khi tới New York: máu, nước tiểu, phân. Tôi đã làm mọi biện pháp để phòng ngừa, vì chúng ta không biết mình đang đối mặt với gì”, Djokovic cho biết.
Năm nay, Djokovic đến New York một mình chứ không có gia đình đi theo. Anh làm nóng bằng việc dự giải Cincinnati Masters, nhưng đã rút lui khỏi nội dung đôi (dự định đánh cặp với Filip Krajinovic) để giữ sức. Giải đấu này diễn ra trên sân không khán giả ở trung tâm quần vợt Billie Jean King, và các tay vợt cũng như đội ngũ HLV của họ phải bị kiểm tra thường xuyên. Họ cũng không được phép ra ngoài nơi ở và địa điểm thi đấu nếu không được phép của ban tổ chức.
Những trải nghiệm khi nhiễm Covid-19 không khiến Djokovic thay đổi quan điểm về vắc-xin. “Báo chí hơi hiểu sai ý của tôi về vắc-xin. Không phải tôi hoàn toàn phản đối, mà là thấy không thoải mái nếu bị bắt buộc phải tiêm”, anh biện bạch và bày tỏ sự lo ngại về vắc-xin corona, “Theo tôi hiểu thì chủng virus corona thường xuyên đột biến, liệu vắc-xin có thể giải quyết vấn đề không”.
Về chuyện ăn ở tại US Open 2020, Djokovic tiết lộ rằng ban đầu USTA không muốn các tay vợt thuê nhà riêng. Sau đó họ đổi ý, nhưng vẫn áp dụng những quy định khá khắt khe. Theo đó, Djokovic không chỉ phải tự trả tiền thuê nhà mà anh còn phải trả thêm khoản phí để USTA bảo vệ và giám sát. Cùng ở với Djokovic tại căn biệt thự trên là 3 thành viên trong ban huấn luyện, trong đó có HLV Goran Ivanisevic – người cũng bị dương tính khi tham dự Adria Tour.
Hướng tới cột mốc 18
“Tôi gần như đã định không tới đây”, Djokovic tiết lộ. Thực tế, anh chỉ đưa ra quyết định này vài ngày trước khi bay sang New York. Chính xác hơn, chỉ đến khi các nước châu Âu khẳng định rằng các tay vợt sẽ không bị cách li khi trở về từ Mỹ, Djokovic mới lên kế hoạch dự US Open. Động thái của Nole chứng tỏ anh muốn dự cả hai Grand Slam này.
Đây là lần đầu tiên sau 61 Grand Slam, Djokovic dự Grand Slam mà không có mặt cả hai kình địch Nadal và Federer. Nadal ưu tiên Roland Garros – giải đấu diễn ra chỉ sau US Open 2 tuần – hơn, trong khi Federer nghỉ hết năm 2020 sau khi hai lần phẫu thuật đầu gối. Như vậy, ở New York, Big Three giờ chỉ còn Big One.
“Điều này thật lạ lùng, vì đó là hai huyền thoại của môn thể thao này. Dù thi đấu có khán giả hay không, người ta cũng rất nhớ họ”, Djokovic nhận xét. Nhưng anh cũng quả quyết rằng sự vắng mặt đó, cũng như việc 8 tay vợt khác trong Top 100 – trong đó có nhà vô địch US Open 2016 Stan Wawrinka cũng không giảm tầm quan trọng của giải đấu.
Federer đang giữ kỷ lục 20 Grand Slam, trong khi Nadal cũng có 19 lần đăng quang. Djokovic đang sở hữu 17 Grand Slam, và dĩ nhiên, khát vọng chinh phục danh hiệu thứ 18 là động lực thôi thúc anh vượt Đại Tây Dương. “Một trong những lý do giúp tôi tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp ở đẳng cấp này chính là vì tôi muốn chinh phục những tầm cao mới của làng banh nỉ”, anh khẳng định. Ngoài mục tiêu cân bằng kỷ lục Grand Slam của Federer, Djokovic còn muốn vượt qua kỷ lục 310 tuần trên ngôi số một của tay vợt người Thụy Sĩ. Nếu như bảng xếp hạng ATP không bị đóng băng hồi tháng Ba vì dịch Covid-19, có lẽ Nole đã thực hiện được ý đồ này.
Với ban tổ chức US Open 2020 cũng như người hâm mộ, sự hiện diện của Djokovic là cứu cánh của giải đấu. Anh đã 3 lần vô địch ở đây, và giành 5/7 Grand Slam gần nhất. Việc Big Three vắng mặt hoàn toàn có thể khiến US Open chẳng khác gì một giải Masters 1000, thậm chí là ATP 500. “Đầu tiên, tôi phải nghĩ về bản thân, về sức khỏe và phong độ của mình sau khi đã tham khảo đội ngũ huấn luyện. Sau đó, tôi cảm thấy trách nhiệm của một tay vợt hàng đầu khi phải góp mặt ở đây”, Nole kết luận.
Phương Chi (Theo New York Times)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất