18/09/2020 19:25 GMT+7 | Thế giới Sao
(giaidauscholar.com) - Gạt sang một bên nỗi thất vọng khi phải dừng bước ở vòng 4 US Open, Novak Djokovic có quyền tận hưởng cuộc sống xa hoa của một nam tay vợt có thu nhập cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Bất luận bạn có thể yêu hay ghét Djokovic, có một thực tế không cần bàn cãi là tay vợt người Serbia này không chỉ nằm trong nhóm Big Three những tay vợt hàng đầu thế giới, mà còn là tay vợt giàu nhất thế giới.
Tay vợt thu nhập cao nhất thế giới
Tổng số tiền thưởng lên tới 134 triệu USD của Nole trong suốt sự nghiệp thi đấu biến anh trở thành tay vợt có thu nhập cao nhất thế giới. Anh trở thành tay vợt đầu tiên chạm mốc 100 triệu USD tiền thưởng. Năm ngoái, tay vợt 33 tuổi này thu về số tiền lên tới 9,1 triệu USD từ các giải đấu anh tham dự, con số nhiều hơn bất cứ nam tay vợt nào. Trang Forbes ước tính từ tháng 7 năm ngoái, Djokovic đã mang về khoản thu nhập lên tới 50 triệu USD. Trừ đi số tiền thưởng từ các giải đấu, nguồn thu nhập chính của tay vợt người Serbia này đến từ các hợp đồng quảng cáo với những thương hiệu danh tiếng như Seiko, Lacoste, Asics và Ultimate Software Group. Năm nay, Nole hân hạnh nhận thêm nguồn tài trợ từ Peugeot, tập đoàn sản xuất ô tô uy tín của Pháp. Trong số những hợp đồng quảng cáo được nhắc đến ở trên, hợp đồng từ hãng thời trang Lacoste đem lại thu nhập lớn nhất cho Djokovic, khi con số ước tính đạt đến mốc 8 chữ số (chục triệu USD), tính cả tiền thưởng.
Ngoài những thương vụ từ các đối tác quảng cáo, Djokovic cũng tự tăng thêm thu nhập từ những hoạt động mình tạo ra. Năm 2013, anh từng viết một cuốn sách về dinh dưỡng và lối sống có tiêu đề: “Serving to Win: The 14-Day Gluten-Free Plan for Physical and Mental Excellence” nói về chế độ ăn uống đã làm thay đổi sự nghiệp của mình. Djokovic còn sở hữu cửa hàng thực phẩm dinh dưỡng mang tên “Djokolife”, cũng như chuỗi nhà hàng Novak Café & Restaurant với các địa điểm ở thủ đô Belgrade, New Belgrade và Kopaonik. Trước đây tay vợt này còn mở một nhà hàng ăn chay ở Monte Carlo có tên Eqvita nhưng đã thất bại. Ngoài các hoạt động kinh doanh về ăn uống, tay vợt 33 tuổi này cũng có một công ty gia đình mang tên Family Sport, nơi tập trung vào việc lên kế hoạch tổ chức sự kiện. Năm 2009, Family Sport từng mua lại giải Dutch Open, biến thành giải Serbia Open trước khi giải đấu này được ban tổ chức ATP mua lại sau đó 4 năm.
Sở hữu nhiều bất động sản, phương tiện và quỹ từ thiện
Nói Djokovic là ông hoàng thu nhập làng banh nỉ xem chừng hơi quá lời. Dẫu sao chừng đó thu nhập đủ để tay vợt người Serbia mua được những căn nhà như ý. Hiện tại, tay vợt 33 tuổi này đang sở hữu một căn hộ hai phòng ngủ ở Monte Carlo, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Năm 2017, anh mua thêm hai căn hộ cao cấp ở New York, Mỹ với số tiền bỏ ra là 10 triệu USD. Năm ngoái, Djokovic đã bổ sung thêm một căn hộ cao cấp ba phòng ngủ ở Miami vào danh sách bất động sản của mình. Mức giá cho khu vực Djokovic mua căn hộ rơi vào khoảng từ 2 đến 13 triệu USD. Một căn hộ ba phòng ngủ khác ở nơi đây được định giá tới hơn 9 triệu USD.
Djokovic là người ưa chuộng việc thể hiện phong cách riêng của bản thân, cụ thể qua việc từng quảng bá giải quần vợt Boodles 2015 trên một chiếc trực thăng. Anh cũng chẳng ngần ngại chi tiền để sở hữu những phương tiện đi lại cho riêng mình như máy bay cá nhân hay chi ra 2,5 triệu USD để mua du thuyền hạng sang Manhattan 60 yacht vào năm 2009. Một số người từng bắt gặp tay vợt này điều khiển chiếc ô tô mang thương hiệu Tesla Model X. Mặt khác, trong thời gian tham dự giải quần vợt Monte Carlo, tay vợt 33 tuổi này lại chọn giải pháp đạp xe, một phần vì sân thi đấu khá gần nơi anh ở.
Tất nhiên, cuộc sống xa hoa đó không đồng nghĩa Djokovic bỏ qua cơ hội làm từ thiện cho những người có hoàn cảnh thiệt thòi. Anh cùng cô vợ Jelena đã lập ra quỹ Novak Djokovic Foundation để giúp đỡ việc học tập cho các trẻ em. Họ đã quyên góp số tiền lên tới 100 nghìn USD cho quỹ “Season of Giving” năm 2018. Cách đây 6 năm, Djokovic từng sử dụng toàn bộ số tiền 750 nghìn USD từ việc vô địch giải Italian Open để quyên góp cho người dân chịu ảnh hưởng lũ lụt ở quê nhà. Ngay trong đại dịch Covid-19, vợ chồng Djokovic cũng đã đóng góp một triệu euro (1,1 triệu USD) để mua trang thiết bị giúp Serbia chiến đấu chống lại virus corona.
Đức Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất