28/08/2020 06:24 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - “Siêu cò” Nguyễn Minh Châu trong suốt hơn chục năm làm nghề, ông cho biết, cuộc sống của một người đại diện phải đối diện với những câu chuyện “dở khóc dở cười” như bị cầu thủ vô ơn, lỗ vốn... là rất bình thường.
Từ nỗi lo sinh mạng...
Hơn 10 năm theo nghiệp môi giới cầu thủ, ông Minh Châu đã đưa không biết bao nhiêu ngoại binh sang Việt Nam và số tiền bỏ ra cũng rất khổng lồ. “Tôi đã đưa trên dưới 200 cầu thủ đến V-League làm việc đến thời điểm hiện tại. Vào những năm đầu bước vào nghề thì chi phí để tìm cầu thủ thì vô cùng lớn.
Cụ thể như chi phí tiền trạm, chi cho đối tác nước ngoài. Sau khâu này thì sẽ tốn chi phí về xin thị thực nhập cảnh Việt Nam và tiền vé máy bay. Trước khi cầu thủ lên máy bay đi thì còn tốn thêm một khoản tiền nữa là tiền ứng trước cho gia đình cầu thủ, để vợ con họ sống tạm những ngày mà lao động chính trong nhà đi tha phương cầu thực, ra nước ngoài tìm việc.Khi tới Việt Nam là bắt đầu giai đoạn chi phí “khủng” nhất, gồm có khách sạn, nhà hàng, ăn uống, đi lại, vé máy bay nội địa…”, ông Minh Châu nói.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất với ông Minh Châu và các đồng nghiệp chính là vấn đề sức khỏe ngoại binh. “Trong quá trình cầu thủ ở Việt Nam chắc chắn sẽ có những vấn đề về ốm đau, bệnh tật. Những cầu thủ gốc Phi hầu như ai cũng có một căn bệnh ủ trong người rất lâu. Khi tới một môi trường mới, một vị trí địa lý khác thì họ sẽ nảy sinh nhiều căn bệnh, chi phí y tế đó thì vô cùng lớn.
Bởi vì trách nhiệm của người đại diện như chúng tôi khi để xảy ra vấn đề đáng tiếc về sinh mệnh với họ thì chắc chắn chúng tôi sẽ không gánh nổi. Vì vậy khi họ vừa tới, chưa được ký hợp đồng với CLB nào thì chúng tôi phải mua bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe, giữ đôi chân cầu thủ.
Trường hợp của Phan Lê Issac là một nỗi đau của các ngoại binh đến Việt Nam. Anh ta đến Việt Nam vào những năm đầu khi bóng đá chuyên nghiệp mở cửa và kiếm được rất nhiều tiền khi khoác áo các đội bóng như: Ngân hàng Đông Á, Long An, Đồng Nai đến Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Đồng Tháp..., nhưng rồi nướng vào hết thú vui, đam mê của mình. Bên cạnh đó, khi anh ta gửi tiền của mình về quê nhà thì anh ta không chỉ gửi về gia đình mình mà gửi cho nhiều bà con, bạn bè… để tránh né tiền thuế, các yêu cầu an sinh xã hội của đất nước anh ta.
Đến thời điểm bị suy thận nặng vào đầu năm nay thì Issac không có đồng nào trong túi. Tôi đã chăm sóc, hỗ trợ anh ta tất cả những gì trong khả năng. Sự hỗ trợ này là về tình người chứ hợp đồng của tôi và cậu ta đã hết hạn, quyền lợi lẫn nghĩa vụ đôi bên đã đảm bảo.
Hiện tôi cũng đã xin cho Issac tấm hộ chiếu mới, đang chờ qua hết dịch bệnh Covid-19 thì sẽ kiếm một chuyến bay về nước đoàn tụ với gia đình, sống những ngày tháng cuối cùng bên gia đình, bên vợ con”.
Tới luật của cuộc chơi
Sau mùa giải 2016, khi FIFA bãi bỏ việc cấp chứng chỉ môi giới (tốn kém tiền nộp cho FIFA khoảng hơn 2 tỷ đồng), ông Minh Châu cũng đỡ đi một khoản tiền đáng kể này. Tuy nhiên, việc làm đại diện cho các cầu thủ không phải vì thế mà bị xem nhẹ.
Ông nói: “Sau năm 2016 thì trên thế giới cũng như nhiều nền bóng đá tiên tiến đã xảy ra tình trạng là FIFA không kiểm soát được tất cả người đại diện của các cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ nổi tiếng. Trên thực tế có những cầu thủ như Messi, anh ta có người đại diện là bố ruột mình, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong việc làm người đại diện”.
Sự hỗn loạn này cũng chính là nguyên do dẫn tới cái gọi là - Chi phí bôi trơn cho cầu thủ, HLV, lãnh đạo CLB để đưa ngoại binh về làm việc ở một đội bóng bất kỳ. Ông Minh Châu bức xúc: “Tôi không hiểu ở đây là bôi trơn cái gì, bôi trơn cho ai. Có rất nhiều cầu thủ ngoại tới Việt Nam tìm việc và khi mỗi mùa giải khởi tranh lại có hàng trăm người tới cạnh tranh với nhau, do đó chất lượng chuyên môn, khả năng của cầu thủ là điều quyết định.
Trước tiên là cầu thủ phải thể hiện năng lực của mình trước đã, sau khi mà CLB chấm xong về năng lực của họ thì tôi tiến hành ký kết nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả cầu thủ lẫn đội bóng theo đúng quy định. Ví dụ khi cầu thủ thi đấu mà chấn thương thì tôi sẽ chịu trách nhiệm chữa trị chấn thương. Hay nếu kết thúc giai đoạn lượt đi mà cầu thủ thi đấu kém thì tôi cam kết phải tìm cầu thủ khác đền lại cho CLB...
Đó là cách làm của tôi từ trước đến nay. Tôi là người Việt, làm việc ở đất nước Việt Nam, trước tiên tôi tuân thủ pháp luật Việt Nam và tuyệt đối không được làm những gì pháp luật không cho phép. Tôi cũng căn dặn các cầu thủ của tôi rằng các bạn đến Việt Nam để kiếm sống thì pháp luật Việt Nam phải được đặt lên hàng đầu, bạn làm gì sai thì bạn phải chịu trách nhiệm, tôi không gánh điều đấy”.
Trả lời câu hỏi về quy trình giới thiệu cầu thủ của mình cho các CLB, ông Minh Châu cho biết: “Chuẩn bị cho mùa bóng mới, chúng tôi thường mời các HLV, lãnh đạo CLB đến sân để xem cầu thủ của mình thi đấu. Đó là cách thử việc truyền thống vào những năm đầu của bóng đá chuyên nghiệp. Sau này chúng tôi thấy rằng cách làm này tốn nhiều thời gian của cầu thủ, HLV và cả chúng tôi, cũng không có hiệu quả cao.
Hiện nay thì chúng tôi cho HLV xem những băng hình, lý lịch của cầu thủ trước, cụ thể là phong độ cầu thủ đó 2 tháng trước khi sang Việt Nam, anh ta đá ở đâu, thể hình, thể trạng, ghi bao nhiêu bàn, sức mạnh, tốc độ ra sao.
Khi HLV đồng ý thì chúng tôi mới trao đổi với CLB để hỗ trợ về thị thực nhập cảnh, chúng tôi trực tiếp bỏ tiền mua vé máy bay để cầu thủ đó sang Việt Nam. Ở Việt Nam, nhà môi giới muốn giới thiệu cầu thủ cho CLB thì phải tự bỏ tiền ra để chi phí tất cả. Sau khi tới Việt Nam thì cầu thủ đó sẽ có quá trình thử việc. Cũng nói thêm, HLV khi đã biết cầu thủ qua băng hình rồi thì họ sẽ kiểm tra năng lực cầu thủ nhanh hơn, thuận lợi hơn, tỷ lệ thành công cao hơn. Những cách làm truyền thống như đích thân cầu thủ gửi clip để chào hàng thì tỷ lệ thành công không cao, vì tính thực tế không nhiều”.
Với trên 200 cầu thủ từng làm việc hơn 10 năm, ông Nguyễn Minh Châu cũng xác nhận mình có không ít kỷ niệm đẹp và ấn tượng trong thời gian nay: “Trải qua quá trình làm việc lâu năm, với trên 200 cầu thủ, đặc biệt tôi ấn tượng với nhiều người rất thành danh như tiền đạo Abass Dieng người Senegal từng giúp B.Bình Dương vô địch V-League, nhận danh hiệu Cầu thủ ngoại hay nhất V-League, hay Vua phá lưới Patiyo của QNK Quảng Nam. Rồi cũng có những người như Phan Lê Issac, nhưng cũng có những ngoại binh kiếm được 50-60 tỷ đồng nhờ bóng đá Việt Nam. Tôi có thể kể đến như trường hợp tiền đạo Philani (ảnh). Cầu thủ người Nam Phi đã gắn bó với B.Bình Dương hơn 10 năm, từ ngày đầu sang Việt Nam đến khi kết thúc sự nghiệp, Philani có thể sở hữu được số tiền như thế. Abass Dieng trước khi chấn thương cũng là một ví dụ...”. |
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất