Cục Quản lý thị trường tuyên bố siết chặt hoạt động buôn bán xăng ngoài luồng để hạn chế tình trạng cháy xe máy do liên quan đến chất lượng xăng. Nhưng đến thời điểm này tình hình vẫn dậm chân tại chỗ, trên nhiều tuyến phố Hà Nội xăng dạo vẫn bán công khai.
Cuối năm 2011, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã có ý kiến chỉ đạo các Chi cục trong cả nước mạnh tay siết chặt hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng bán xăng tự do (xăng dạo) không đảm bảo chất lượng.
Xăng dạo vẫn bán tràn lan bất chấp lệnh cấm
Cơ quan quản lý nhà nước tuyên bố là vậy, nhưng ngay trên các đường phố Hà Nội, người dân có thể dễ dàng nhận thấy chủ trương hạn chế hoạt động kinh doanh xăng dầu dường như vẫn còn nằm trên giấy. Xăng dạo vẫn được bày bán nhan nhản trên vỉa hè với nhiều mức giá chêch lệch.
Hoạt động kinh doanh xăng dạo xuất hiện với mật độ dày vẫn tập trung ở những tuyến phố các đại lý ít đặt những cây bơm xăng lớn, hoặc cây xăng đặt không thuận chiều đi lại như: Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Mã, Phố Huế, Bưởi, Cầu Giấy, Quán Thánh, Lạc Long Quân, Nguyễn Văn Cừ… Đã là kinh doanh ngoài luồng, đương nhiên các “thượng đế” sẽ là đối tượng phải gánh chịu những mức giá chêch lệch 5.000 - 10.000 đ/lít.
Khung giá do nhà nước quy định hiện hành là 21.300đ/lít xăng A92. Tuy nhiên, khi khách hàng lỡ hết xăng dọc đường hỏi mua xăng dạo trên phố Huỳnh Thúc Kháng thường phải chi trả lên 25.000đ/lít. Với các tuyến phố dẫn lên trung tâm Bờ Hồ có mật độ đi lại đông, thường khách hàng phải chấp nhận trả ở mức 30.000đ/lít.
Đã phải chịu giá chêch lệch cao hơn thực tế, các vị “thượng đế” lỡ bước cũng chẳng dám tin xăng dạo vừa mua đảm bảo đúng chất lượng khi qua tay dân buôn chuyên nghiệp, kiêm luôn cả “kỹ sư” pha chế nhiên liệu.
Xăng A95 có màu vàng, trong khi xăng A92 là màu xanh lá cây nhưng nếu quan sát kỹ xăng bày bán vỉa hè không khó nhận ra các loại xăng dạo thường có màu nhợt nhạt hơn màu gốc, cho dù người bán luôn cam kết “đong đủ và hàng chất lượng” khi khách căn vặn.
Việc tham gia vào thị trường xăng dạo tại Hà Nội cũng thu hút nhiều thành phần, đi kèm là những hình thức kinh doanh đa dạng muôn màu. Khách hàng có thể mua từ những người chuyên kinh doanh lâu năm, hoặc các quán sửa xe tự phát tọa lạc ở vỉa hè. Theo khảo sát, hầu hết các quán sửa chữa xe máy hoặc bơm vá bên lề đường đều có sẵn 3-5 lít xăng sẵn sàng phục vụ khi khách có nhu cầu.
Trên mỗi tuyến phố thường có cả chục điểm sửa xe lớn nhỏ, nếu tính cộng lại sẽ có hàng ngàn lít xăng dạo đang được bày bán công khai hàng ngày. Đó là vẫn còn chưa tính đến khối lượng xăng được các chủ chuyên kinh doanh tích trữ bày bán. Đi kèm với con số này đó là rất những rủi ro khó lường về mặt chất lượng được các chuyên gia cảnh báo, sau khi trên địa bàn thành phố xuất hiện hàng loạt vụ cháy nổ xe gắn máy được xác định nguyên nhân một phần xuất phát từ việc mua xăng kém chất lượng.
Với những hình thức buôn bán diễn ra công khai hàng ngày, việc phát hiện và hạn chế hoạt động kinh doanh xăng dạo trên địa bàn Hà Nội không phải là điều quá khó, bởi tất cả đều như bày ra trước mắt. Cục QLTT đưa ra ý kiến chỉ đạo, nhưng để hiện thực hóa chủ trương siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu ngoài luồng vẫn là điều chẳng hề dễ, nếu các Chi cục QLTT và các đội QLTT không thực sự quyết tâm theo sát kiểm tra ở từng khu vực.
Theo Dân trí