Đoản khúc World Cup: Hỡi những Samurai, liệu có còn chút gì để nhớ?

02/07/2018 13:47 GMT+7 | Góc nhìn chuyên gia

(giaidauscholar.com) - Bỉ và Nhật Bản, một ứng cử viên của chiếc cúp danh giá với đội hình toàn những ngôi sao mà theo tính toán của Transfermarkt, giá trị đội hình đến với World Cup 2018 là 678,6 triệu bảng, một là đại diện duy nhất của châu Á, trị giá chắc đâu đó chưa được 10% của những con “Quỷ đỏ” và được đánh giá là yếu nhất trong 16 đội vào vòng 1/8.

 

Chú thích ảnh

Em đẹp, em có quyền, tuyển Bỉ đã chiến thắng trận với tuyển Anh cuối vòng bảng kiêu hãnh đi vào nhánh đấu được cho là “tử thần” vì sau Nhật, sẽ có thể là Brazil, Argentina hoặc Pháp… những ứng viên hàng đầu của ngôi báu. Ngược lại, Nhật Bản đã có một trận đấu khá thất vọng khi để đội bóng đã bị loại Ba Lan đánh bại và đi vào vòng 16 đội nhờ có ít thẻ vàng hơn Senegal. Chưa hết, cách thi đấu câu giờ ở nửa cuối hiệp 2 trận đấu - được người hâm mộ gọi là “chiến thuật đi bộ” đã khiến hình ảnh tuyển Nhật Bản trở nên bệ rạc và có phần thảm hại trong mắt khán giả-kể cả khán giả châu Á và Nhật Bản - những người mà trước đó coi việc tuyển Nhật Bản vượt qua vòng bảng là một tự hào.

Vì sao nói đến Nhật Bản, người ta hay nói về hoa Anh Đào, và tinh thần Võ sĩ đạo? Nếu nhìn một hoặc một vài cây hoa Anh Đào ở những nơi nó được di cư đến, như là Washington hay Hà Nội mới đây, thì người thưởng ngoạn sẽ không cảm thấy quá xúc động hay bị mê hoặc. Hồn cốt của xứ Phù Tang là những rừng anh đào bừng nở rộ bung hết từng cánh hoa rồi chỉ ít ngày thôi những cánh mỏng manh lìa cành lả tả bay miên man theo gió trôi dạt rồi nhẹ nhàng vương vào tóc khách bộ hành, đậu lên mặt đường thành những thảm hoa trải dài ngút ngát. Đời sống vô cùng ngắn ngủi đó của hoa Anh Đào được biểu tượng cho một cái đẹp của tinh thần “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu). Cái đẹp cả khi sống - bừng nở rạng rỡ trong nắng gió mùa Xuân và khi chết - cánh hoa lìa cành này cũng đã là triết lý sống của Samurai.

Ở đây, trong vai người kể chuyện, xin được giải thích thêm một chút về Samurai. Theo truyền thống Nhật Bản, một Samurai nhất thiết phải có đủ ba yếu tố: Trung thành - can đảm - danh dự, để gìn giữ các yếu tố này một cách tuyệt đối, đời này sang đời khác, các Samurai ngoài luyện tập kiếm cung võ thuật phải được thực hành trà đạo, thi ca và hội họa để Tinh thần Đạo dần thấm nhuần vào tư tưởng, hành động. Tinh thần đó, cộng với sự an nhiên, chuộng đơn giản, tĩnh lặng của người Nhật tạo ra các samurai luôn quả cảm và bình thản trước mọi tình huống. Nó là sự cống hiến, không phải là kết quả.

Đoản khúc World Cup: Đường dài, đơn độc, nhẹ dạ, tôi ngã vào ‘nhan sắc’

Đoản khúc World Cup: Đường dài, đơn độc, nhẹ dạ, tôi ngã vào ‘nhan sắc’

Người phụ trách trang nhắn tôi khi hai trận đấu bảng F khép lại: Chị vẫn viết tiếp Đoản Khúc nhé. Đương nhiên rồi, đây có phải lần đầu tiên mà Đoản khúc và Biến tấu phải đi tiếp chặng đường mà không có Die Mannschaft từ khi hai chuyên mục này bắt đầu được mở trên Tin Nhanh Thể thao Văn hóa gần 20 năm nay đâu?

Và tuyển Nhật Bản - họ đại diện cho tinh thần Võ sĩ đạo trong bóng đá, là sự cống hiến với nguyên tắc danh dự thông qua cách hành xử đặc biệt riêng, có nghĩa vụ đem tinh thần đó đi khắp năm châu bốn bể để vinh danh, để tự hào. Đây chính là lý do mà màn trình diễn cuối cùng ở vòng bảng đã bị chê trách đến vậy, đã làm người hâm mộ của họ, nhất là người Nhật Bản thất vọng và bực bội đến vậy.

Cá nhân tôi cho rằng chẳng có cơ may nào cho tuyển Nhật Bản ở trận đấu này. Câu chuyện còn lại là, các chiến binh Samurai áo xanh sẽ chiến đấu như thế nào? Họ sẽ dùng cách gì đây để chống đỡ lại những màn tấn công như vũ bão của “Quỷ đỏ” bởi chắc chắn rằng “chiến lược đi bộ” sẽ không thể áp dụng. Dĩ nhiên, xin đừng hiểu Samurai là nhất thiết phải chọn cách tự sát như Seppuku, Hara-kiri hay một kiểu gì đại loại như thế.

Người hâm mộ mong muốn được thấy cảnh tượng cuộc chiến đầy ngoan cường, quả cảm với tinh thần võ sĩ đạo được các Samurai thể hiện tại Rostov. Trong những tia sáng của ánh dương cuối ngày vừa lặn tắt các cầu thủ Nhật Bản sẽ “cháy” hết mình thắp lên những đốm lửa khiến các tinh tú như Eden Hazard, Romelu Lukaku, Kevin de Bruyne… phải đôi lúc lu mờ.

Là một người châu Á, xin gửi đến những cầu thủ Nhật Bản một tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, cảm ơn các bạn đã đại diện cho châu lục chúng ta, có mặt ở vòng đấu này: “May mà có em đời còn dễ thương/Xin cảm ơn thành phố có em/Mai xa lắc trên đồn biên giới/Còn một chút gì để nhớ, để quên…”

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm