09/08/2016 05:28 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Ngoài ông Minh, trong số báo này chúng tôi dành “nhiều đất” cho các nhà quản lý, HLV, chuyên gia thể thao đánh giá về bức tranh toàn cảnh của TTVN sau ánh hào quang mang tên Hoàng Xuân Vinh. Thực tế, cửa có huy chương dường như đã tắt lịm với đoàn TTVN khi những niềm hy vọng cứ rơi rụng dần.
Đã dần thức tỉnh
Theo ông Minh, việc chuyển hướng đầu tư cho các môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic đã diễn ra quá chậm, các cuộc tranh luận kéo dài hơn 10 năm nay. Các nhà quản lý đã từng chia làm hai trường phái.
Trường phái thứ nhất và không phải số đông cho rằng trên cơ sở đã có của SEA Games, thể thao Việt Nam phải tiến lên đấu trường ASIAD và Olympic. Tiến lên đấu trường Olympic thì phải có chiến lược phát triển, tập trung cho đấu trường Olympic. Trường phái thứ hai nói rằng chỉ cần chơi ở SEA Games thôi chứ không nên tạo ra các chiến lược phát triển mới.
Sau những lần không thành công ở ASIAD 2010 Quảng Châu, ASIAD 2014 Incheon và Olympic London 2012, thể thao Việt Nam đã có những chuyển hướng quan trọng là tập trung đầu tư trọng điểm cho các vận động ưu tú ở một số môn Olympic gồm khoảng 50 vận động viên của 20 môn thể thao.
Ông Minh bình luận việc thay đổi tư duy đầu tư cho thể thao đỉnh cao khác với nếp cũ đã mang lại những “ánh sáng” hy vọng. Kết quả, thắng lợi của các vận động viên Việt Nam ở những môn Olympic chiếm khoảng 88 % số lượng huy chương tại SEA Games Singapore 2015. Chúng ta có 23 vận động viên vượt qua vòng loại để tới Olympic 2016.
Trong số đó, nổi lên những cái tên như Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng...
Nhưng đường đến thành công vẫn xa vời
“Tổng cục Thể dục thể thao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ xem nên phát triển những môn thể thao nào, tuyển chọn thế nào, huấn luyện thế nào. Nhưng việc đầu tư thế nào lại không phải là quyền độc lập của nghành thể thao. Chuyện đó phải có sự chỉ đạo của Chính phủ”, ông Minh phân tích.
Mức ăn 800 nghìn/ngày cho vận động viên Olympic là tốt rồi. Nhưng còn những vấn đề khác thì sao? Phương tiện, dụng cụ tập luyện thi đấu bao gồm nhà tập, các điều kiện tập luyện khác như đạn của bắn súng, thuyền của đua thuyền, kiếm của đấu kiếm hay các bộ dụng cụ của thể dục dụng cụ thì đã đúng tiêu chuẩn chưa? Trên mọi trung tâm của Việt Nam, những phương tiện này còn thiếu. Trong trường hợp của môn bắn súng, đó là việc thiếu đạn cho vận động viên.
Để giải quyết vấn đề đó, chúng ta phải đi tập huấn quốc tế tại các trung tâm có điều kiện tốt. Bản thân bắn súng cũng đã sang Hàn Quốc tập huấn với điều kiện trang thiết bị cơ sở tốt. Bởi tập tại trung tâm huấn luyện quốc gia mà không có đạn, không có bia điện tử thì tập sao được? Chúng ta phải đi để giải quyết vấn đề đó.
Trong điều kiện không bằng các nước khác mà vẫn giành huy chương, điều đó chứng tỏ vận động viên Việt Nam đầy tài năng và rất cố gắng. Nhưng những tấm huy chương ấy chưa thể khỏa lấp được hết quá trình đầu tư chưa đảm bảo.
Chúng ta đã đầu tư nhiều hơn trước nhưng vẫn không bằng các nước khác. So với các nước xung quanh chúng ta và các nước có nền thể thao tiên tiến, sự đầu tư của các tuyển thủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Vận động viên Việt Nam cũng không có điều kiện tập ở các trung tâm trong nước mà phải ra nước ngoài tập huấn. Đây là một biện pháp tích cực nhưng không thể là giải pháp lâu dài.
Tóm lại, ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá, quá trình tiến lên Olympic của thể thao Việt Nam vẫn quá dài, quá gian khổ vì sự đầu tư hiện tại vẫn không đảm bảo để các vận động viên tiến tới trình độ cao. Với mức đầu tư ấy, vận động viên đi Olympic không có huy chương là điều bình thường. Họ giành được huy chương mới là phi thường.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất