11/01/2022 06:48 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nguyễn Ngọc Tư viết: “Con tàu xa hoa khiến người ta chếnh choáng. Nhiều kẻ đã quên ngoái lại nhìn đất quê”. Đây không chỉ là điểm nhìn chính yếu của tập tản văn vừa phát hành, mà còn là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư.
Hành trình từ quê ra phố, cộng với làn sóng đô thị hóa nông thôn mạnh mẽ, sẽ làm cho nhiều người, nhiều gia đình bị bứng gốc vĩnh viễn khỏi quê hương bản quán của mình. Tập tản văn gồm phần 1 có tên Giả tưởng sau tận thế (với 7 bài) và phần 2 Hong tay khói lạnh (với 21 bài), gần 180 trang sách, vừa vặn để đọc, vì văn Nguyễn Ngọc Tư thường khó đọc nhanh.
Từ đồ chơi của thời tiết
Tản văn Đồ chơi của thời tiết có các đoạn: “… Không có ngoại lệ nào, bạn tin vậy. Kẻ giàu có, thông minh không có nghĩa nằm ngoài sự tác động của thời tiết. […]. Thành phố vẫn đang chìm xuống, người ta chỉ giả vờ quên đi sau khi những con đường, những ngã tư được đắp cao lên. Nhưng nước vẫn âm thầm đuổi theo. Những con rối khô mình thoáng chốc, rồi sẽ ướt ngoi trở lại. Tụi nhỏ vô hình đó vẫn chưa xong buổi tập, chúng chỉ nghỉ tay một chút. Trong lúc đó, bạn ngắm kỹ mình, nhìn vào những đốm đồi mồi, những mạch máu xanh ẩn hiện dưới da, những nếp nhăn li ti, nốt ruồi son, khen họ sơn mình sao mà sống động đến từng chi tiết nhỏ vậy”.
Tản văn này không phải là duy nhất, trong Hong tay khói lạnh đề cập đến chuyện những trạng huống của tồn tại, thậm chí của tồn tại sau trận thế, sau đại dịch Covid-19. Các tản văn khác như Nắng gọi ngoài kia, Cúi đầu không bóng, Hoàng hôn của than vãn, Hỏi vào đêm, Lời của ban sơ, Nắng nghịch mùa, Phương ngữ, Bỏ đi, Vào chỗ… cũng vậy, đó là những đối thoại với thiên niên, phong thổ trong trạng huống đổi thay, là những đời, những tâm sự bên lề xã hội, yếu thế, lạc loài…
Kể từ sau tiểu thuyết đầu tay Sông (phát hành năm 2019) và tiểu thuyết Biên sử nước (2020), ở tuổi trung niên, với hơn 20 năm cầm bút, Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu giả định thường xuyên hơn về những tình huống trần thế. Xét về tâm lý và nhận thức, đây là tiến trình bình thường của một ngòi bút chuyên nghiệp, vốn cần hướng đến sự suy tư về các vấn đề siêu hình học.
Trong tập tản văn mới này, Nguyễn Ngọc Tư cũng bắt đầu từ sở trường lâu năm của mình, đó là theo đuổi những bi kịch nhỏ của những phận người cô lẻ, để rồi mở rộng ra chuyện của thời tiết, của diệt vong và của hồi sinh. Cả tập sách không có tản văn nào tên là Hong tay khói lạnh, mà nó là chủ đề, là tư tưởng của cả phần 2, xuất hiện sau phần 1. Tản văn Đồ chơi của thời tiết như nhịp cầu nối 2 phần, mở ra phần 2, bởi có lẽ đã tác giả đã đặt câu hỏi rằng sau tận thế thì còn lại gì, nếu không phải là thời tiết, là khói lạnh.
Đọc tản văn này làm chúng ta liên tưởng đến tiểu thuyết Đồ vật của Georges Perec và tập thơ Khí hậu đồ vật của Nguyễn Quốc Chánh. Tuy họ có cách tiếp cận và trình bày hoàn toàn khác nhau, nhưng triết lý về sự xâm chiếm/ chi phối của thời tiết, của đồ vật lên đời người thì có những nét tương đồng. Và việc trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa con người với ngoại cảnh cũng là mục đích chính của hiện sinh, của văn chương.
Đến những lời thì thầm
Trong tản văn Từ những thì thầm có các đoạn: “…Sống và viết trong cộng đồng ngôn ngữ nhỏ bé, không phải trung tâm thế giới, ai sẽ nhìn thấy ánh sáng của mi?”. “Con đường mà mi tưởng mình là người đầu tiên bước vào, đã có người đi rất nhiều năm trước, và mi chỉ đang giẫm lên những dấu chân có sẵn. Mi tới nơi khi họ đã xong việc, đã rời đi”.
“Những tiếng nói ấy không cười nhạo tôi, không chút nào, chúng chỉ nói sự thật. Và sự thật thường mất lòng. Gặp một cuốn sách hay, nghĩa là đọc cùng với những cơn chóng mặt. Văn chương thế giới mà tôi tiếp xúc, bằng những cuốn sách chuyền tay cũ sờn, đôi khi là bản photocopy - thứ sách giả như những nhà sưu tầm thường gọi - nhưng chữ của chúng là thật. Những cuốn sách ấy, rất sớm, đã nhấc bổng mang tôi ra khỏi lòng giếng chật chội, và vào giây phút tôi nhận ra bầu trời rộng lớn nhường nào, tôi ngộp thở. Thứ sức mạnh mà tôi có được từ ảo tưởng, rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng mất đi. Những cuốn sách đánh thức bản năng viết, giúp tôi bước vào thế giới văn chương bằng những câu chuyện, nhưng chính chúng đôi khi đã làm tôi thấy mình trở nên trong suốt, chực tan đi không dấu vết gì.
Nhưng may thay, tôi là một người viết. Và lúc viết, tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình, lấy lại những màu sắc vốn có, bởi những lời đáng sợ kia đã ngừng bên ngoài trang giấy. Duy nhất, lúc đó, chỉ còn lời thì thầm. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này”.
Từng đặt các câu hỏi về lý do cầm bút, Nguyễn Ngọc Tư trả lời, cũng trong tản văn vừa nêu: “… Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế. Và tôi cũng tin có hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này, chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ sở xa xôi, với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng ngôn ngữ, nhưng chúng vẫn ở đó, không chờ đợi được tưởng thưởng hay vỗ về, chúng ở đó vì người viết chúng không thể và không muốn quay lưng lại với lời thì thầm: Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là dành cho bạn, không phải sao?”.
Tản văn có tính diễn từ/ tuyên ngôn này được đặt cuối tập sách, thật hợp lý, nó không chỉ nêu lên được quan điểm cầm bút của Nguyễn Ngọc Tư, mà còn cho độc giả thấy sức mạnh của các câu chuyện. Bởi rõ ràng, dù tận thế, dù tái sinh, dù hát vang hoặc thì thầm, dù sống hào nhoáng hoặc lặng lẽ bên đời, sự tồn tại và hiện hữu của con người cũng đâu nằm ngoài các câu chuyện. Không có các câu chuyện thì lịch sử loài người cũng không tồn tại. Cho nên cái tứ “nhiều kẻ đã quên ngoái lại nhìn đất quê” là vì họ quên hoặc từ chối kể lại câu chuyện của chính mình, chứ không chỉ quên trở về với nơi chôn nhau cắt rốn.
Hiền Hòa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất