Đời sống thời bao cấp (Bài 3): Nhà tập thể

24/05/2014 11:31 GMT+7 | Văn hoá


(giaidauscholar.com) - Nhà ở bao giờ cũng là cấp thiết khi dân số tăng lên hàng ngày, hàng năm, mặc dù thời chiến tranh sự quản lý xã hội rất chặt chẽ và ý thức người dân với xã hội khá cao, nhưng tình trạng lấn chiếm đất công vẫn xảy ra âm thầm. Đầu hòa bình, mỗi số nhà, sau khi chia lại, sân, vườn và những khoảng đất trống còn khá rộng. Số hộ tăng lên do con cái lập gia đỉnh và những hộ quay lại Hà Nội sau chiến tranh, đi kinh tế miền núi, người ta chiếm dần chiếm mòn các khoảng đất công ấy, ban đầu bằng cách quây cót ép, dần dần xây bằng gạch và ngôi nhà nhỏ chính thức hình thành. Nhà nước cũng không quản lý được những nhà này, vì chúng chẳng nằm trong quy hoạch nào.


Người Việt có câu: Để lâu cứt trâu hóa bùnMưa dầm thấm lâu, chính là để nói tình trạng này, tức là lấn chiếm một cách bền bỉ. Hiện tượng lấn chiếm ruộng công ở nông thôn cũng diễn ra y như vậy, nó là tính cách của người Việt Nam. Khi chính quyền sờ đến thì mọi việc đã an bài, sự lấn chiếm sẽ dùng tiền đút lót để chính thức hóa. Mà các quan chức vốn xuất thân từ bộ đội nghèo, vợ con cũng tham gia buôn bán, lấn chiếm, nên tốt nhất là thuận lòng dân. Nhà cửa trong một khu nhà tăng lên đột biến, nhưng khu vệ sinh vẫn chung nhau, nên tình trạng hôi thối, bẩn thỉu là không thể tưởng tượng được. Nỗi kinh khiếp lớn nhất trong thời chiến tranh và bao cấp không phải là đói kém và bom đạn, mà là phải đi vào khu vệ sinh chung. Nếu đột nhiên gia đình nào có Việt kiều về thăm, thì khu vệ sinh chung đó bỗng trở nên thơm tho lạ thường.

Số người tăng lên gây áp lực với các đô thị cổ, không thể chịu đựng sự phân cắt nhỏ hơn nữa. Những ngôi nhà tập thể cao tầng bắt đầu được xây dựng, và bắt đầu từ những năm 1970 theo kiểu lắp ghép. Tức là người ta đổ sẵn những tấm bê tông vuông vức rồi lắp thành căn hộ. Khu tập thể Giảng Võ, Bách Khoa và dần dần là Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… hình thành. Ban đầu phải là cán bộ trung cao cấp mới được phân nhà. Đó là những căn hộ giống nhau chừng 30 - 40 thước vuông, có khu vệ sinh và bếp riêng, nước được bơm lên các bể trên cao dẫn về mọi gia đình. Những ngôi nhà tập thể đó cao là 4 - 5 tầng, mỗi tầng có hai đến ba dãy phòng, chừng 10 - 20 căn hộ, tùy theo. Ý tưởng ban đầu giống như những nhà tập thể ở Liên Xô cũ, tầng dưới cùng làm cửa hàng, nhà trẻ, khu hội họp, khoảng trống nối giữa hai khu nhà làm sân chơi, vườn hoa. Nhưng dần dà tầng một cũng được dùng làm nhà ở và phải rất đặc biệt mới được phân tầng một, những nhà này sẽ nhanh chóng lấn chiếm đất công trước mặt, nếu ở tầng trên bạn có thể thỏa thuận với nhà dưới xây chồng lên đầu. Công nhân xây dựng nhiều người không về, lập gia đình, mà tiện thể cũng chiếm luôn đất lưu không, biến những ngôi nhà tập thể thành những con rết có thân chính và nhiều chân phụ lằng nhằng, đến mức người ta không nhận ra đâu là ngôi nhà chính nữa. Tình trạng trộm cắp phổ biến do ở khu tập thể người ta dường như không quen biết nhau, quan hệ hàng xóm truyền thống rất mờ nhạt, nên mỗi gia đình quây tất cả cửa sổ bằng song lưới sắt, như chuồng chim, cửa vào dãy chung có khóa chung cho mọi gia đình, xe đạp, xe máy phải dắt lên rất cao, nếu không có gia đình nào trông xe. Nghề trông xe trong khu tập thể hình thành. Thực ra những ngôi nhà tập thể đó rất bất tiện, nó chẳng ra nhà riêng, chẳng ra gia đình, chẳng ra khách sạn, nếu có cưới xin, hiếu hỷ thì vô cùng lúng túng. Nhiều nhà có người chết phải giòng áo quan từ trên cao xuống, vì không thể khiêng theo đường cầu thang hẹp. Ấy thế mà nhiều gia đình nuôi lợn, gà, chó, mèo, chim, rùa, thỏ… phần nhiều mang tính chất tăng gia. Những gia súc này được tắm rửa sạch sẽ, ốm đau sẽ có thuốc, vì chúng là thu nhập của gia đình, mỗi khi bán đi là trẻ con khóc um nhà vì chúng đã quen chơi với động vật nuôi đó. Câu Lợn ốm còn hơn người ốm là của thời kỳ này.

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm