31/01/2013 12:57 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Quyển 1 mang tên Đoàn hộ nhẫn của tập truyện nổi tiếng Chúa tể những chiếc nhẫn của tác giả J. R. R. Tolkien vừa ra mắt độc giả Việt Nam. Bên cạnh sự thích thú, phần biên dịch cuốn sách đã vấp phải những phản ứng trái chiều từ phía độc giả trẻ. Mấu chốt của vấn đề là: dịch tên riêng địa danh, nhân vật trong truyện hay để nguyên tên không dịch?
Để làm rõ vấn đề này, TT&VH có đi tìm hiểu và có cuộc trao đổi với đại diện nhóm dịch giả đã biên dịch bộ truyện.
1. Serie phim Chúa tể những chiếc nhẫn trước đây đã được rất nhiều người Việt yêu thích. Và nhiều người đã là fan của câu chuyện về nhóm người Hobbit này trước khi bộ truyện ra mắt ở Việt Nam. Cũng bởi thế, khi Nhã Nam ra mắt tập 1 của Chúa tể những chiếc nhẫn, độc giả đến chật kín.
"Điều khó khăn nhất đối với việc dịch bộ truyện này: đây là một tác phẩm lớn của nền văn học thế giới. Tầm vóc của tác phẩm và sự kỳ vọng của độc giả là sức ép không hề nhỏ đối với dịch giả" - dịch giả Đặng Trần Việt chia sẻ.
Quả vậy, ngay trong buổi ra mắt sách, độc giả của bộ truyện đã bất ngờ với những cái tên xa lạ: Bao Gai, Thun Đáy Khe, Hươu Bia Rum, Bõ Già, Hai Chân, Mỏ Cộ, Lộn Bao, Chặt Nịt Quần, Sắc Vải - Bao Gai, Đại Cồ, Bì Bợt, Mỏ Cộ, Chằm Lớn, Mỹ Nhi, Dãy Lộn Bao Bao Gai, Ấp Tuck, Ấp Hươu Sắc Vải Bao Gai trong cuốn sách.
Trong lễ ra mắt sách, một độc giả nam đã đứng lên chất vấn NXB về việc dịch tên. Lúc đó, đại diện Nhã Nam có trao đổi lại đồng thời cũng hẹn sau Tết Nguyên đán sẽ tổ chức một buổi tọa đàm quanh vấn đề này.
Nhưng sau đó, trên các trang diễn đàn mạng, những ý kiến trái chiều vẫn không dứt.
2. Trao đổi với TT&VH, dịch giả Thu Yến, thành viên của nhóm dịch giả bộ truyện cho hay: “Hệ thống tên riêng trong Chúa tể những chiếc nhẫn lên đến con số nhiều nghìn, trong đó có chừng 900 cái tên sử dụng tiếng Anh, còn lại là các thứ tiếng do Tolkien tự sáng tạo ra như Quenya, Sindarin, Khuzdul…
Vì cuốn Chúa tể những chiếc nhẫn cũng được coi là bản dịch do Tolkien thực hiện từ văn bản cổ do Bilbo, Frodo và Sam soạn, nên tiếng Anh được Tolkien sử dụng để dịch tất cả những tên tuổi bằng Tây ngữ (ngôn ngữ chung). Ví dụ, Imladris trong tiếng Tiên, dịch sang Tây ngữ là Karningul. Tolkien đã “dịch” chữ Karningul này thành “Rivendell”. Ngay cái tên của nhân vật chính, Bilbo Baggins và Frodo Baggins, cũng là dịch từ tên Tây ngữ, Bilba Labingi và Maura Labingi”.
Cũng theo chia sẻ của dịch giả Thu Yến, Tolkien đã viết tài liệu Chỉ dẫn tên riêng trong Chúa tể những chiếc nhẫn dành cho người dịch, hướng dẫn cụ thể về từng trường hợp cần dịch, theo nguyên tắc: tất cả những gì không phải tiếng Anh trong nguyên bản, thì giữ nguyên; tất cả những gì là tiếng Anh trong nguyên bản, phải dịch ra.
Vì đó cũng là những tên Tolkien đã dịch từ Tây ngữ. Ông cũng nhấn mạnh sắc thái của những cái tên: cái thì hài hước gây cười, cái thì mang phong vị thi ca hay cổ xưa.
"Các độc giả đã quen tên tiếng Anh, khi thấy những tên đó trong một dáng vẻ mới tất nhiên sẽ bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi nghĩ không phải độc giả nào đã đọc sách cũng biết “Rivendell” nghĩa là “thung lũng nằm trong khe núi” (trong bản dịch là Thung Đáy Khe), hay Baggins là một cái tên quê kệch so với người bà con Sackville sang trọng hơn, tuy cả hai cùng là “túi” (bag/sack) (trong bản dịch là Bao Gai/ Sắc Vải)"- dịch giả Thu Yến cho biết thêm.
3. Nhóm dịch giả cũng cho hay, bộ sách Chúa tể những chiếc nhẫn được dịch và biên tập từ bản The Lord Of The Rings bìa mềm in ba tập, do HarperCollins phát hành năm 2002. Và ngôn ngữ nguồn của nhóm dịch giả là tiếng Anh. "Nếu đối chiếu được với các bản dịch khác thì rất tốt, nhưng những người dịch và biên tập viên chính của cuốn sách là “dân” tiếng Anh, nên việc đó cũng hạn chế.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng theo dõi các tạp chí chuyên đề nghiên cứu về dịch thuật Tolkien, các website của cộng đồng hâm mộ Tolkien cùng các diễn đàn dịch thuật khác để biết những người “cùng cảnh ngộ” với mình đã tiếp cận các vấn đề mình gặp như thế nào, xử lý ra sao, chỗ nào xử lý rất thông minh, chỗ nào buộc phải dừng lại hoặc chọn một đáp án tạm thời chưa hoàn hảo…" - dịch giả Thu Yến cho biết.
Khi được hỏi về sự liên hệ mang tính "ăn theo" trong việc dịch tên thuật ngữ riêng của bộ truyện "Chúa nhẫn" với bản dịch Harry Potter rất thành công của dịch giả Lý Lan trước đó, dịch giả Thu Yến trả lời: “Thực tế, tất cả những người dịch tác phẩm thuộc các thể loại fantasy, khoa học viễn tưởng, xã hội viễn tưởng đều phải đối mặt với vấn đề chuyển ngữ với rất nhiều từ ngữ tác giả sáng tạo ra. Đây là vấn đề không chỉ với Harry Potter, Chúa tể những chiếc nhẫn mà là của cả Đấu trường sinh tử, Doaremon… Chúa tể những chiếc nhẫn hơi khác ở chỗ vấn đề đặt ra với tên địa danh, nhân vật chứ không phải phép thuật, chiêu thức, máy móc…”.
Dịch giả này cũng lý giải: "Có thể có nhiều độc giả chưa thích cách xử lý đó vì những ấn tượng lâu bền từ phim, hay cảm nhận cá nhân của họ về âm vang của những từ đó trong bản gốc tiếng Anh. Nhưng theo chúng tôi, vấn đề ở đây chỉ là thói quen tiếp nhận. Tôi cũng phải nói, có rất nhiều từ Tolkien sáng tạo ra bằng cách chơi chữ, ghép chữ, tạo thành những từ mà với người nói tiếng Anh cũng thực sự kỳ dị, lạ tai - tại sao lại đòi hỏi chúng phải đẹp, phải mượt, phải xuôi tai trong tiếng Việt?".
4. Còn về những dư luận cho rằng cuốn sách "dịch sai", "dịch ẩu", đại diện nhóm dịch giả chia sẻ: Dịch sai hay không cần phải có sự phân tích, đối chiếu và phản biện. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là không hề có chuyện dịch ẩu...
"Tất nhiên, độc giả là người duy nhất có quyền quyết định cho bản thân mình xem cuốn sách có xứng đáng bỏ tiền ra mua hay không…"- dịch giả Thu Yến cho biết.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất