Khó như dịch “Chúa nhẫn”

01/02/2013 07:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Loạt truyện Chúa tể những chiếc nhẫn lừng danh của tác giả J. R. R. Tolkien vừa ra mắt độc giả Việt Nam đã gây tranh cãi vì hoạt động biên dịch. Thế nhưng trên thế giới, tranh cãi quanh việc dịch truyện của Tolkien là điều không có gì mới mẻ và thậm chí chính tác giả đã tham gia vào hoạt động tranh cãi, trước khi viết sách hướng dẫn dịch truyện, vì không hài lòng với một số bản dịch.

Theo Từ điển bách khoa mở trực tuyến Wikipedia, truyện Chúa tể những chiếc nhẫn (Lord of the Rings) của J. R. R. Tolkien xuất hiện trong năm 1954-1955 với bản gốc là tiếng Anh.

Khác từ tựa truyện

Kể từ đó truyện đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Tolkien, một chuyên gia ngữ văn Đức, đã xem xét các bản dịch được thực hiện khi ông còn sống và đã có những bình luận về cả sản phẩm dịch lẫn truyện của ông. Để hỗ trợ các dịch giả và bởi Tolkien đã không hài lòng với một số lựa chọn do các dịch giả thời kỳ đầu như Ake Ohlmarks tiến hành, Tolkien đã viết Hướng dẫn về những cái tên trong The Lord of the Rings (1967).

Các bản dịch The Lord of the Rings đầu tiên đã xuất hiện dưới tiếng Hà Lan (1956-1957, do Max Schuchart thực hiện) và Thụy Điển (1959–1960, Ake Ohlmarks). Cả hai cuốn sách này đều đã có những lối dịch khá phóng túng so với bản gốc.

Sự khác biệt (nếu không muốn nói là sai lệch) trong cách dịch đã thể hiện ngay từ tên sách. Bản dịch của Max Schuchart có tựa In de Ban van de Ring (Dưới bùa phép của chiếc nhẫn)Ohlmarks là Härskarringen (Chiếc nhẫn thống trị).

Phần lớn các bản dịch về sau, bắt đầu bằng phiên bản tiếng Ba Lan Władca Pierścieni ra mắt năm 1961, đã dịch nguyên gốc tên sách. Nhưng vẫn có những phiên bản dịch tự do xuất hiện về sau này. Ví dụ như Nhật Bản có một bản dịch mang tựa Truyền thuyết về chiếc nhẫn, dịch giả Taru Sormusten Herrasta của Phần Lan lại đặt tựa là Huyền thoại Chúa tể những chiếc nhẫn. Phiên bản dịch đầu tiên của Na Uy về bộ truyện mang tên Krigen om ringen (Cuộc chiến của chiếc nhẫn). Gần đây nhất, bộ truyện đã được dịch sang tiếng Hà Lan với tựa đề Master fan Alle Ringen (Ông chủ của mọi chiếc nhẫn).

Nổi nóng vì bản dịch

Khi còn sống, Tolkien đã có những phản đối mạnh mẽ các bản dịch đầu tiên của truyện ra tiếng Hà Lan và Thụy Điển. Ông đặc biệt không ưa việc người ta dịch những cái tên trong chuyện. Nhưng sau quá trình biên thư qua lại khá dài, Tolkien vẫn không thành công trong việc thuyết phục Schuchart và Ohlmarks chỉnh sửa theo ý mình.

Liên quan tới bản dịch tiếng Hà Lan, ông đã viết: "Về mặt nguyên tắc, tôi phản đối mạnh mẽ nhất có thể việc “chuyển ngữ” hệ thống tên trong truyện (ngay cả khi nó được thực hiện bởi một người giỏi). Tôi tự hỏi vì sao một dịch giả lại nghĩ rằng bản thân có quyền được làm những điều như thế. Đây là một thế giới tưởng tượng và anh ta không có quyền thay đổi lại nó theo sở thích của mình, dù rằng trong vài tháng anh ta có thể tạo nên một cấu trúc chặt chẽ mạch lạc vốn khiến tôi mất nhiều năm để xây dựng nên...”

Thực tế, chỉ có vài nhân vật trong phiên bản truyện Hà Lan được dịch trên để không gây khó khăn cho những người đọc không biết tiếng Anh. Cho tới năm 2008, bản dịch của Schuchart vẫn là bản chính thức ở Hà Lan.

Về phần bản dịch của Ohlmarks, nó đã tồn tại cho tới tận năm 2005, khi được thay thế bởi một bản dịch mới do Erik Andersson thực hiện với phần thơ do Lotta Olsson đảm nhận.

Hướng dẫn của tác giả

Những trải nghiệm không hay với hai phiên bản dịch đầu tiên đã khiến Tolkien viết Hướng dẫn về những cái tên trong “The Lord of the Rings” vào năm 1967, để giúp các dịch giả hiểu thêm về hệ thống tên trong truyện.

Ông còn viết rằng "khi bị bế tắc trong hoạt động dịch thuật, các dịch giả nên liên hệ với ông để được tư vấn".

Trong hướng dẫn, Tolkien có liệt kê ra một danh sách các tên riêng và địa điểm mà dịch giả có thể chuyển ngữ cho phù hợp với ngôn ngữ dịch. Nhưng ông cũng nói rằng mọi cái tên không có trong danh sách phải được để nguyên, không thay đổi dưới bất kỳ ngôn ngữ dịch nào.

“Cho phép tôi nói chỉ một lần thôi, rằng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động sửa chữa tương tự nào với hệ thống tên riêng này" (đe dọa của Tolkien, tác giả “Chúa nhẫn”)

Những cái tên dưới dạng tiếng Anh như Dead Marshes, được ông đề nghị dịch thẳng sang ngôn ngữ mới, trong khi những cái tên sử dụng tiếng Elvish phải để nguyên. Elvish là ngôn ngữ do Tolkien sáng tạo ra và được các bộ tộc Elf trong truyện của ông sử dụng. Là nhà ngôn ngữ học, Tolkien đã dành nhiều thời gian xây dựng tiếng Elvish và ông từng nói rằng các câu chuyện của ông đã sinh ra từ thứ ngôn ngữ này.

Bản danh sách của Tolkien cũng có những gợi ý về nghĩa của các từ "cổ, lỗi thời hoặc thổ ngữ trong ngôn ngữ vùng Scandinavi và tiếng Đức".

Sau khi hướng dẫn này ra đời, đã có 2 bản dịch ra tiếng Đan Mạch và tiếng Đức được hưởng lợi từ các gợi ý của ông. Cả hai bộ sách dịch này đều đã được xuất bản trước khi Tolkien qua đời vào năm 1973. Kể từ đó tới nay, vô số các bản dịch mới dưới nhiều ngôn ngữ đã liên tục xuất hiện và chắc chắn hướng dẫn của Tolkien đã đóng vai trò kim chỉ nam, giúp các bản dịch này trở nên hoàn thiện hơn.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm