Bóng đá Anh, từ EURO đến Olympic: Bao giờ thì người Anh “biết” chơi bóng?

27/07/2012 13:42 GMT+7 | Bóng đá Olympic

(TT&VH) - Hình minh họa cho bài viết này là cảnh tượng “đẫm máu” của hậu vệ Terry Butcher ở một trận vòng loại của đội tuyển Anh vào năm 1989, tóm lược phong cách chiến đấu vốn có của người Anh, dựa trên sự dũng cảm, nỗ lực và sự chăm chỉ, nhưng đã không mang lại cho quê hương của bóng đá bất kỳ thành công nào kể từ chức vô địch World Cup 1966.

Ký giả Chris Murphy của trang CNN, một cách khá xúc phạm, đã ví phong cách ấy của người Anh là “phong cách của chó bulldog”, và đặt ra câu hỏi rằng tại sao quê hương của bóng đá vẫn khư khư giữ kiểu đá bóng “phổi bò” ấy, trong khi một ví dụ điển hình của thất bại trong quá khứ như TBN đã thay đổi và chiến thắng. Sau World Cup 2010 và hai kỳ EURO 2008, 2012, giờ thì người TBN hướng đến một cú ăn bốn, nếu đoạt HCV Olympic.



Hình minh họa cho bài viết này là cảnh tượng “đẫm máu” của hậu vệ Terry Butcher

ở một trận vòng loại của đội tuyển Anh vào năm 1989

Đội tuyển Vương quốc Anh trở lại Thế vận hội sau 52 năm, và theo nhà báo David Winner, tác giả của cuốn sách nổi tiếng có tên “Màu cam kỳ diệu” nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa và tâm lý đến bóng đá Hà Lan, thì cách tiếp cận bóng đá của người Anh đã không thay đổi trong từng ấy thời gian.

“EURO 2012 là giải đấu phơi bày rõ ràng điểm mạnh và điểm yếu của người Anh. Họ đã lạc lối trong 60 năm qua, khi trái tim dũng cảm và thấm nhuần các giá trị Nữ hoàng Victoria cũ kỹ bị khuất phục bởi những đối thủ khéo léo hơn” – Winner trả lời kênh CNN. Ông lý giải rằng phong cách này được sản sinh trong các trò chơi tập thể náo nhiệt thời Trung Cổ, và ảnh hưởng từ tinh thần cảm tử của môn bóng bầu dục, được khai sinh cùng thời điểm với bóng đá: “Phong cách ấy bắt nguồn sâu xa từ các yếu tố truyền thống trong các trò chơi của Anh, và chúng tôi chưa bao giờ đánh mất nó. Chúng tôi yêu chiến đấu như Terry Butcher, Stuart Pearce và Tony Adams (các cựu tuyển thủ Anh – TT&VH)”.

Quan điểm của ông Winner được cây viết Simon Kuper, tác giả của cuốn “Bóng đá học” nổi tiếng viết về những sự thật trong bóng đá, chia sẻ. Theo ông, phong cách cảm tử của người Anh phát sinh từ quan niệm cho rằng người lính là hình mẫu vĩ đại nhất trong xã hội. Nền văn hóa chiến binh của Vương quốc Anh đề cao ý chí và quyết tâm hơn là kỹ năng và kỹ xảo. Thống kê ở EURO 2012 ủng hộ lý thuyết này: Đội tuyển Anh lấy thân mình chắn cú sút của đối phương nhiều hơn bất kỳ đội tuyển nào dự giải và cũng là đội “chăm” xoạc bóng nhất.

Người Anh phải thay đổi

Kuper nhấn mạnh: “Hình mẫu chuẩn của người đàn ông Vương quốc Anh là chiến binh, có lẽ giờ vẫn thế, và các tờ báo lá cải vẫn ví các cầu thủ của chúng ta như những chiến binh, và vì thế các giá trị được tôn vinh trong bóng đá Anh là sự dũng cảm, đam mê, sự vâng lời, chịu khó. Bạn ít khi nghe nói đến sự sáng tạo hay cảm hứng, những phẩm chất không thuộc về đức hạnh của người lính”.TBN và Đức cũng từng “cố thủ” trong pháo đài quan niệm như người Anh. Nếu như người Đức bị ám ảnh bởi kỷ luật, thì người TBN, trong nhiều thập kỷ, cũng đề cao các giá trị mà độc tài Franco đã từng đúc kết thành biệt danh cho đội tuyển là “Cơn thịnh nộ TBN”, như tính chiến đấu và sự hung hăng. Bản chất của bóng đá TBN là kỹ thuật, và khi tìm được phương pháp phát triển phù hợp, Tiqui-taca, thì họ lập tức thăng hoa. Người Đức cũng đã chú trọng đến cảm hứng và sáng tạo nhiều hơn trong quá trình thiết lập lại một phong cách mới cho đội tuyển.

Chuyên gia bóng đá Đức Raphael Honigstein tiết lộ với kênh CNN rằng việc nhấn mạnh đến vai trò của kỹ thuật nhiều hơn trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ của người Đức là một chiến lược quốc gia và đây là giai đoạn mà người Đức thu được trái ngọt: “Họ đã đổ tiền để thay đổi phong cách huấn luyện và đào tạo trẻ, và kết quả là sản sinh ra được những lứa cầu thủ tốt hơn, cung cấp cho HLV Joachim Loew nhiều lựa chọn hơn”.

Xu thế mới của bóng đá hiện đại là chú trọng đến vai trò của kỹ chiến thuật hơn là sự nhiệt tình, “phổi bò” và cách chơi tốn năng lượng, vốn là những hình ảnh điển hình cho phong cách truyền thống của người Anh. Nhưng 52 năm vắng mặt ở môn bóng đá nam Thế vận hội cũng là từng ấy thời gian người Anh gặp rắc rối trong nỗ lực thay đổi “thói quen” thất bại của mình. Và nhiều khả năng vấn đề ấy sẽ tiếp tục ám ảnh người Anh tại sân chơi này.

Phạm An (tổng hợp từ CNN)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm