17/10/2013 06:45 GMT+7 | Bóng đá Anh
(giaidauscholar.com) - Thật vô lý, Roy Hodgson và đội tuyển của ông đã phải dựa vào màn ra mắt của một cầu thủ trẻ 22 tuổi mới ra sân được 18 trận ở Premier League để thắp lại hy vọng tới World Cup ở trận thắng Montenegro 4-1, làm bàn đạp cho chiến thắng trước đội tuyển Ba Lan, 3 điểm chính thức đưa Tam Sư đến Brazil.
Người hùng ấy là Andros Townsend, một anh chàng đã sút trúng mục tiêu nhiều hơn bất kỳ ai khác tại Premier League mùa này, nhưng vẫn chưa ghi bàn. Một anh chàng đã thực hiện 26 quả tạt ở giải Ngoại hạng mùa này, với chỉ 4 không đi trúng mục tiêu. Một anh chàng từng bị dính án treo giò 4 tháng vì cá cược, và quan trọng nhất, trước trận gặp Montenegro, không ai biết anh ta là ai.
Đó thực sự là một canh bạc của HLV Hodgson, và nó đã mang lại “bộn tiền” trong trận gặp Montenegro, cho thấy rằng bạn không cần phải sở hữu một lý lịch siêu sao mới có thể trở thành Đấng Cứu thế của đội tuyển đến từ quê hương của bóng đá. Nhìn thấy Townsend tỏa sáng, người Anh hẳn cũng sẽ tự hỏi rằng tại sao trước đó, anh chỉ được chơi 3 trận cho đội tuyển U21 Anh.
Đó là hình ảnh sống động nhất phản ánh những gì đã làm nên sức sống của đội tuyển Anh dưới thời Hodgson: Không phải những tên tuổi ồn ào của những chiến dịch vòng loại trước đây, mà chỉ là tập hợp của những cầu thủ có tính cách và tên tuổi bình dị, hoặc những người đang phải níu kéo hào quang quá khứ, hay đã chứng minh được nghị lực sau một quãng thời gian khó khăn trong sự nghiệp.
Chân giá trị, trong cái vỏ bình dị
Đó là thủ môn Joe Hart, vẫn đang chơi với nỗi ám ảnh lơ lửng trên đầu sau những sai lầm liên tiếp mới đây ở CLB Man City, những sai lầm đã khiến dư luận Anh lại đặt câu hỏi rằng bao giờ họ mới tìm ra một người gác đền đáng tin cậy.
Đó là cặp hậu vệ của Everton, Phil Jagielka và Leighton Baines, rất tài năng, nhưng cũng vô cùng chăm chỉ và nhẫn nại, như tính cách của hầu hết các cầu thủ thành danh ở CLB này, chưa kể Gary Cahill, người chơi cho một đội bóng giàu có (Chelsea), nhưng luôn là người máu lửa và cần cù nhất.
Đó là Michael Carrick, nhà điều phối tuyến giữa của tuyển Anh trong suốt vài năm qua, nhưng luôn thầm lặng. Cho đến giờ, rất nhiều CĐV Anh vẫn đặt câu hỏi rằng liệu anh có xứng đáng là tiền vệ kiến tạo lối chơi cho Tam Sư hay không. Đó là Steven Gerrard, người mà trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp cũng luôn nổi tiếng với sự hy sinh. Và tất nhiên, Townsend, một người hùng từ hư vô.
Phía trên là Daniel Sturridge, bị Chelsea chối bỏ và đã phải rất nỗ lực mới khẳng định được bản thân, khi chuyển sang Liverpool. Danny Welbeck thì từ lâu đã là một tiền đạo chơi kiểu “làm nền” cho các ngôi sao ở Man United, chạy nhiều và tạo khoảng trống hơn là tìm cơ hội ghi bàn. Wayne Rooney thì dù trong hoàn cảnh nào cũng là chỗ dựa cho bất kỳ tập thể nào sở hữu anh, nhờ sức mạnh và tinh thần trách nhiệm.
Đó là một tập thể có thể làm nản lòng các báo lá cải, vì trừ Rooney hay vướng phải những scandal không đâu, chẳng ai có rắc rối về đời tư. Họ chỉ tập trung vào chơi bóng, và dù chưa thật sự tạo ra những ấn tượng về một lối chơi bay bướm và có sức thuyết phục, đội tuyển Anh vẫn lừ lừ tiến đến Brazil. Không phải trong những lời tung hô và kèn trống ồn ào như trước kia, họ vượt qua vòng loại trên đôi chân của những người hùng giản dị. Thậm chí so về tên tuổi, còn quá tầm thường với bất kỳ thế hệ nào trước đây của tuyển Anh.
Roy Hodgson chính là thủ lĩnh của tập thể bình dị ấy, bằng một tác phong huấn luyện và cách cư xử với báo giới cũng bình dị không kém. Không những lời đao to búa lớn, ông đã đưa đội tuyển Anh đến Brazil. Nền bóng đá này đã chìm trong những lời huyễn hoặc quá lâu, và giờ là lúc nó thể hiện chân giá trị, thông qua một cái vỏ bình dị.
Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất