Đội tuyển Italy: 'Đội tuyển không có tương lai'

03/09/2015 07:05 GMT+7 | Bóng đá Italy

(giaidauscholar.com) - “Quá khó nhìn ra tương lai của đội tuyển quốc gia”, cựu HLV trưởng ĐT Italy Cesare Prandelli thẳng thắn nói trên kênh Radio Anch’io Sport. “Bạn chỉ thấy được tương lai khi các cầu thủ trẻ phát triển, khi bạn có một kế hoạch 4-8 năm. Nhưng nếu những chàng trai trẻ đến tuổi 20 thi đấu ở những giải châu lục trở về giải VĐQG vật lộn tìm vị trí thì bóng đá Italy đang có vấn đề”.

“Quyền lực của các CLB là quá lớn. Họ chỉ quan tâm đến tiền bạc. Tôi rất bi quan sau khi đã tự mình trải nghiệm”.

Đội tuyển Italy triệu tập cho 2 trận gặp Malta và Bulgaria ở vòng loại EURO 2016 có lực lượng “kì lạ”. Andrea Pirlo, 36 tuổi, đang chơi ở giải “dưỡng già” MLS được gọi cùng Sebastian Giovinco, một học trò cưng của Conte. Hoàn toàn không có gương mặt mới nào ngoài Domenico Criscito của Zenit được gọi trở lại.

Nhận định của Prandelli sẽ có lí nếu nhìn vào vị trí regista của Pirlo. Milan dùng De Jong ở đó, Inter vẫn toàn cầu thủ nước ngoài sau khi bán Mateo Kovacic của vị trí ấy, còn Juventus thậm chí từng phải đặt Simone Padoin vào nơi của Pirlo. Có Marco Verratti nhưng anh chưa bao giờ được tin tưởng thật sự. Mirko Valdifiori của Napoli không được triệu tập đợt này, chắc còn phải lăn xả một quãng đường dài nữa nếu Conte vẫn cứ cầu viện Pirlo từ New York thay vì triệu tập anh từ miền Nam nước Ý.

Tổng quan bóng đá trẻ Italy năm 2015 là khá bi đát, khi đội tuyển U17 bị loại ở Tứ kết giải U17 châu Âu và thua Croatia ở trận play-off rồi lỡ Vòng chung kết thế giới; đội tuyển U21 thì bị loại ngay từ vòng bảng giải U21 châu Âu, và không giành được vé dự Olympic Rio 2016.

Trong khi đó, 2015 là mùa Hè mua sắm điên cuồng của Serie A. Juve mua Paulo Dybala giá 32 triệu euro, Milan mua Carlos Bacca 30 triệu, Inter mua Geoffrey Kondogbia giá 40 triệu, tất cả bọn họ đều không phải cầu thủ Italy.

“Việc mua sắm này, nó sẽ mang lại hưng phấn hay thất vọng”, nhật báo La Gazzetta dello Sport đã hoài câu hỏi. “Đó có phải là sự cất cánh của một nền bóng đá hay Calcio vẫn chỉ là cơ thể nhiều mụn nhọt?”.

Prandelli đã trả lời những câu hỏi ấy theo quan điểm của mình. Từ giã chiếc ghế đội tuyển sau thất bại tại World Cup 2014, ông cũng bảo thành công ở EURO 2012 và Confed Cup 2013 đã che giấu đi những vết lở loét của nền bóng đá , phát tác ở World Cup và bây giờ đang hành hạ Antonio Conte.

Các CLB nhiều quyền lực nhất, nhưng họ không dùng quyền lực ấy và tài chính của mình để xây dựng những “kế hoạch 4-8 năm”, mà dốc tiền tấn mua cầu thủ, làm lợi trong ngắn hạn, nhưng khiến HLV các đội tuyển quốc gia méo mặt, vì cầu thủ bản địa không được ưu tiên.

Conte hiểu điều này. Đội Ý đã không thắng 4 trận liên tiếp (2 giao hữu, hòa 3, thua 1), vẫn chơi rất tối tăm và bây giờ vẫn phải cầu viện Pirlo.


PV
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm