28/08/2014 12:00 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - “Một nách hai con”, theo quan sát của giới truyền thông, HLV Toshiya Miura đang thực sự rất bận rộn trong khoảng thời gian này, khi ĐTQG và đội tuyển Olympic Việt Nam tập trung cùng lúc ở Hà Nội.
Dù thuyền trưởng người Nhật Bản khẳng định rằng, ông cảm thấy rất vui và hạnh phúc, khi được… bận rộn, song quả thật, khó thể đảm bảo được chất lượng công việc trong hoàn cảnh này.
Chỉ 1 cái đầu
Khi VFF ký hợp đồng với HLV Miura, dư luận đã lo ngại về những bài học nhãn tiền cho phương án một ông thầy nắm một lúc nhiều ĐTQG và cả những thất bại về mô hình “2, 3 trong 1” nữa. Mặc dù vậy, những nhà điều hành nền bóng đá và bản thân vị HLV người Nhật Bản đều cam kết rằng, sẽ không có vấn đề gì cả, dựa trên quỹ thời gian tập trung, thi đấu của các đội tuyển cũng như năng lực huấn luyện, bầu nhiệt huyết của người cầm cương.
Trên thế giới hiếm một quốc gia nào ký hợp đồng kiêm nhiệm với HLV trưởng cả. Trước khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia Thái Lan, cựu đội trưởng Kiatisuk Senamuang (còn có biệt danh là “Zico” Thái – PV), có khoảng thời gian dài được giao vai trò “cơ trưởng” U23 Thái Lan. Cuộc cách mạng nhân sự (trẻ hoá đội hình) trên bình diện ĐTQG được “Zico” Thái tiến hành hồi đầu năm 2014, vì thế rất tạo được sự an tâm nhất định nơi FAT (Liên đoàn bóng đá Thái Lan).
Nhưng, tình huống với ông Toshiya Miura thì khác. Ông thầy dáng thư sinh người Nhật Bản không thể “áp” một giáo án cho cả ĐTQG và ĐT Olympic Việt Nam được, bởi cơ địa, tâm lý và đẳng cấp chơi bóng… của 2 đội là khác nhau. Cũng rất khó quán xuyến công việc, bởi suy cho cùng, Toshiya Miura không phải “phù thuỷ 3 đầu, 6 tay”. Mà đến ngay phù thuỷ thật là Henrique Calisto cũng từng thất bại, từ SEA Games 25 đến AFF Suzuki Cup 2010, huống hồ…
Cánh tay nối dài của HLV Miura
Rõ ràng, HLV Toshiya Miura cần được chia sẻ công việc hơn lúc nào hết. Và người ta bắt đầu ngó qua danh sách các trợ lý của ông thầy người Nhật Bản mà phía VFF đề xuất. Câu trả lời, hoặc vô danh trên cabin BHL (chưa có thành tích đáng kể nào), hoặc hạn chế về năng lực huấn luyện (đã qua kiểm định).
Nói như HLV Lê Thuỵ Hải cũng không phải không có lý. Chúng ta cần cung cấp cho HLV Miura những trợ lý tốt nhất, những người mà trong một vài thời khắc khó khăn, có thể thay HLV trưởng cầm nhịp và điều tiết trận đấu.
Một cách khác là gửi các trợ lý HLV trẻ có năng lực lên học việc (theo dạng đào tạo “cán bộ nguồn”) và chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận thương đau (nếu thất bại ở thời kỳ đầu), nhưng chắc chắn nền bóng đá sẽ có lợi về sau.
Vậy cabin BHL ĐTQG lúc này có những ai? Trợ lý HLV Ngô Quang Sang từ đội bóng vừa chạy trối chết khỏi suất “play-off” V-League 2014 là ĐT.Long An, cựu cầu thủ Đặng Phương Nam (Trung tâm Đào tạo trẻ Viettel) và trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh.
Ở đội tuyển Olympic Việt Nam là Lê Tuấn Long (Trung tâm Đào tạo trẻ VFF), Nguyễn Thanh Sơn (B.Bình Dương) và Nguyễn Văn Cường (Bình Định và ĐT.Long An).
Trong bóng đá, thách thức đôi khi sẽ tạo thêm động lực, cũng như khơi nguồn sự sáng tạo, thứ được cho là bất tận với con người. Mọi chuyện mới chỉ bắt đầu, có phiêu lưu một chút chắc cũng chẳng sao!
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất