Tuyển Việt Nam còn thiếu người cầm trịch

31/10/2014 12:53 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Nếu bộ não của một đội bóng là HLV trưởng, thì trái tim hay buồng phổi vẫn được liên tưởng đến các vị trí ở trung tâm hàng tiền vệ. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura là một ngoại lệ, khi sức sáng tạo của đội bóng lại lệnh hẳn qua đường biên, thay vì đáng ra nó phải thuộc một trong 2 vị trí ở gần vòng tròn trung tâm…

Nhạc trưởng, anh ở đâu?

Theo dõi rất nhiều trận đấu của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura, có thể thấy các miếng đánh giãn biên là thứ vũ khí lợi hại nhất. Bóng được chuyển ra biên theo cách nhanh nhất, trước khi các chuyên gia chạy cánh (bao gồm cả hậu vệ biên lên tham gia tấn công) thực hiện các đường căng ngang ở tầm thấp cho tiền đạo, hoặc trực tiếp xâm nhập khu vực cấm địa và ra chân. Cả 3 bàn thắng mà học trò HLV Miura ghi được trong trận đấu với U23 Bahrain đều đến theo kịch bản này.

Người ta phải đặt câu hỏi, nhạc trưởng của đội bóng, những người có chức năng giữ nhịp và có thể tung ra các đường chuyền kiểu “một phát ăn ngay”, là ai và ở đâu? Trước đây, Hồng Sơn và Minh Phương từng làm rất tốt vai trò này. Thế còn ĐTQG của HLV Miura thì sao?

Trong tay ông Miura lúc này có 5-6 cầu thủ có thể chơi trung tâm hàng tiền vệ, nhưng khá nhất chỉ là Tấn Tài. Những người còn lại là Minh Châu, Hoàng Thịnh, Huy Hùng, thậm chí cả Thanh Hiền… đều không thuộc mẫu tiền vệ sáng tạo, mà chủ yếu làm nhiệm vụ tranh chấp. Bản thân đội trưởng Tấn Tài, trên thực tế, cũng chỉ được đánh giá cao ở tinh thần chiến đấu và kinh nghiệm, còn khả năng “làm bóng” có hạn.

Có thể cảm nhận, đội tuyển Việt Nam của HLV Miura đang thừa, nhưng lại rất thiếu. Nhưng, chiến thuật được xây dựng dựa trên con người và ông Miura sẽ phải thích nghi với thực tại để chế tác các món ăn.

Kỳ vọng vào đôi cánh

Từ khoảng chục năm đổ lại, cùng với kỷ nguyên V-League, các ĐTQG luôn kỳ vọng vào sức mạnh của các cầu thủ bám biên. Và giờ, sức sáng tạo của đội bóng dưới thời HLV Miura cũng thuộc về 2 cánh.

Sau khi chia tay Quốc Anh, mẫu tiền vệ biên mà khi ở đỉnh cao phong độ, có hiệu suất làm bàn khá khủng khiếp, đội bóng chỉ còn mỗi Thanh Trung biết và dám ra chân, sau khi xuyên phá hoặc bó vào trong. Trong rất nhiều những tình huống lên bóng hoặc triển khai tấn công từ tình huống bóng cố định, Thành Lương trở thành chân chuyền số 1 không thể chối cãi. Một tỷ lệ bóng rất đều đặn được cung ứng lên tuyến đầu, nhờ cái chân trái của Lương, nhưng Lương lại khá lười dứt điểm.  

Người ta đã thống kê rằng, có đến hơn 80% tỷ lệ các bàn thắng đến từ những miếng đánh giãn biên. Nhưng đấy là khi đội bóng sở hữu một hàng công được xây cao, với những chuyên gia săn bàn trong khu vực cấm địa hoặc khả năng ra chân thành bàn của các tiền vệ.

Ở góc độ này, chúng ta mới chỉ yên tâm với Anh Đức (tiền đạo), Văn Quyết, Thanh Trung (tiền vệ), còn Công Vinh, Hải Anh và Thành Lương có lẽ phải tích cực ra chân hơn nữa, để ít nhất thử vận may với chính mình.

Những người trẻ còn lại như Minh Tuấn, Ngọc Thắng và Huy Toàn, có lẽ vẫn cần thêm thời gian để thích nghi, chứ chưa thể kỳ vọng!


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm