Môi trường đội tuyển

22/12/2010 11:32 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người. Vậy thì, môi trường đội tuyển đang ổn chưa? Đấy cũng là vấn đề nhạy cảm, cần được mổ xẻ sau thất bại.

Ít cạnh tranh vị trí khốc liệt

Môi trường đội tuyển, bản chất là màu hồng và thiêng liêng. Bất cứ một công dân nào, thuộc lĩnh vực nào, nếu được thay mặt số đông cống hiến cho đất nước là niềm tự hào.

Bóng đá ngoài yếu tố đó, còn có vấn đề khác thôi thúc mãnh liệt chẳng kém: một cầu thủ được khoác áo tuyển thủ QG, dù không được đá chính thì khi trở về, ngay lập tức giá trị của anh ta sẽ tăng lên rất nhiều trên thị trường chuyển nhượng. Nghịch lý ở chỗ, chỉ có ở bóng đá VN mới có chuyện chiến dịch nào cũng xảy ra trường hợp cầu thủ xin rút lui với đủ thứ lý do.

Ông Calisto từng rất tinh tế khi phát biểu: “Để ý kỹ, những trường hợp rút lui khỏi ĐTQG đều thuộc loại cầu thủ có số, có má”. Đúng thế, nếu cầu thủ là tân binh thì theo logic tâm lý, họ đều muốn chứng tỏ bản thân và chắc chắn sẽ phải đá trên khả năng nếu được tung ra sân.


HLV Calisto sẽ không duy trì chế độ tập trung lâu ngày như vậy cho các tuyển thủ ở những lần tập trung sau

Đấy cũng là vấn đề đáng suy nghĩ về khát khao và sự tươi mới của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup lần này, vốn được đánh giá không bằng 2 năm trước. Một đội hình cũ kĩ, ít có sự cạnh tranh vị trí khốc liệt, trong khi đây là điều rất cần thiết cho một đội tuyển tập trung đến 3 tháng và lực lượng già nua.

Cầu thủ nội ghi bàn tốt nhất V-League 2010 như Quang Hải thì bị nhốt trường kỳ vì nhiều lý do. Còn Thanh Hưng, Minh Châu ở trận bán kết lượt về đã phải nhường chỗ cho “thương binh” Tài Em.

Trong cơ cấu trẻ, Thành Lương không phải là gương mặt mới, bởi Lương đã đá chính ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2008. Tấn Trường, Thanh Hưng và Trọng Hoàng, những cầu thủ trụ cột ở CLB, có chất nhưng cũng chỉ được trọng dụng ở mức độ vừa phải. Tình trạng dùng người theo kiểu “đóng đinh” đó chẳng khác gì triều đại Alfred Riedl, người nổi tiếng bảo thủ.

Đội tuyển hay trại lính?

Có một câu chuyện xảy ra cách đây 19 năm. Sau giải vô địch quốc gia 1991, đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho SEA Games 16. Một buổi sáng, cả đội với HLV Vũ Văn Tư làm đầu tàu ngồi xe lam đến Nhổn, bác bảo vệ không cho vào vì… không biết đó là ĐTVN. Sau hai ngày tập trung, nhiều cầu thủ chán ngán vì nhớ nhà và vì điều kiện tập trung quá kém. Sân tập thì cỏ cao quá đầu gối, không ai chăm sóc, bếp ăn tập thể kiểu bao cấp. Lãnh đạo Tổng cục TDTT chẳng ai ngó ngàng đến. Thế là, 11 cầu thủ phía Nam rủ nhau “đào ngũ”.

Bây giờ thì các ĐTVN đã khác. Cả thầy lẫn trò được chăm sóc chẳng thiếu thứ gì. Tuy thế, vẫn còn hiện tượng “đào ngũ” dưới nhiều hình thức, thì đúng là điều đáng băn khoăn.

HLV Lê Thụy Hải chỉ trích quyết liệt việc tập trung đến 3 tháng cho một giải. Thủ môn Tấn Trường bảo rằng bị nhốt lâu quá tình cảm cầu thủ cứ bị lẫn lộn, rất ức chế. Trong những ngày này, nếu cầu thủ được trải lòng mà không sợ này nọ, chắc chắn họ sẽ đồng thanh mà bảo rằng: tập trung 3 tháng cho một giải đấu là lâu quá.

Ông Calisto cũng nhìn nhận đấy là một trong những sai lầm của ông khiến nhiều tuyển thủ không thật sự thoải mái: “Giá như các CLB xây dựng được nền tảng thể lực dồi dào, có đội ngũ bác sĩ chăm sóc sức khỏe, chữa trị chấn thương cho cầu thủ tốt thì tôi sẽ không bao giờ tập trung dài ngày như vậy. Tôi cũng là đàn ông, tôi thừa hiểu những ức chế về mặt tâm sinh lý của học trò”. Trước đó, ông cũng đã từng nhấn mạnh cầu thủ cũng là con người chứ không phải những cái máy đá bóng, nên họ rất cần người thân bên cạnh sau những buổi tập khô khốc và nặng nhọc.

Có lần trả lời Reuters, HLV Riedl nói: “Tôi lấy làm lạ suốt mùa bóng các cầu thủ đều tập trung trong trại huấn luyện của CLB dưới sự quản lý gắt gao. điều này không tốt chút nào cho tâm lý cầu thủ. Bởi họ cần vui chơi giải trí để có một tinh thần sảng khoái. Hãy để cầu thủ tự quyết cho mình vì ai không biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình thì bóng đá chuyên nghiệp sẽ đào thải người ấy thôi”.

Riedl, Calisto và trên hết là VFF biết rõ cái phương thức tập trung dài và quản lý theo kiểu trại lính đó là phản khoa học. Có điều, họ vẫn phải cắn răng làm bởi hai lý do: bệnh thành tích và sợ cầu thủ sẽ bị “bệnh” nếu như được thả lỏng.

Bản thân điều đó cũng đã nói lên thực trạng đáng lo: môi trường đội tuyển trong bao năm qua đã không hoàn hảo để để giúp cầu thủ giải phóng được nội lực lẫn tinh thần trong những thời khắc quyết định nhất.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm