'Di sản' Đờn ca tài tử: Còn là 'tài sản' đương thời

27/09/2013 08:06 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Vào lúc 10h sáng nay (27/9) tại Cà phê thứ Bảy (TP.HCM) sẽ diễn ra buổi giao lưu về cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Phương Nam Book & NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2013).

Nhìn lại lịch sử, với sức sống rộng khắp Nam bộ và còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành tại Việt Nam hay Campuchia, rõ ràng đờn ca tài tử không đơn thuần là một di sản theo nghĩa cứng nhắc: cần được đóng khuôn trong tủ kính, “cấm sờ vào hiện vật”.

Các nghiên cứu cho thấy đờn ca tài tử là thành tố nội sinh của vùng đất Nam bộ. Nó ra đời sau đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, báo chí quốc ngữ, tiểu thuyết quốc ngữ…; trước tranh kiếng, cải lương, tiểu thuyết…; trước đạo Cao Đài, Hòa Hảo và nhiều đạo bản địa khác. Kể ra chi tiết như vậy để thấy rằng về mặt văn hóa, tâm linh, tôn giáo… thì Nam bộ nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 rất đặc biệt.

Một hành trình văn hóa

Điểm khác biệt giữa đờn ca tài tử với nhiều loại hình nhạc truyền thống đã thành ký ức hay “di sản thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp” (ví dụ ca trù trước đây) là nó đang sống trong một không gian văn hóa cụ thể. Nghĩa là nơi đó truyền thống và đương đại song hành, nên chuyện sinh ra, mất đi hay cải tiến, phái sinh là rất đỗi bình thường, không thể yêu cầu đờn ca tài tử phải bê nguyên quá khứ, “đứng yên” với bài bản tổ.

Từ khoảng năm 1885 thì nhiều nhóm “đờn cây nhạc lễ” đã được gọi là “đờn ca tài tử”, để dễ phân biệt với các ban nhạc lễ và nhạc hát bội. Nghĩa là ngay từ đầu, đờn ca tài tử đã xác định tư cách độc lập của mình bằng cách đi vào đời thường, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của người dân, nên người chơi không nhất thiết là phải giỏi đàn hát. Tại Nam bộ ngày nay cũng thế, trong các cuộc vui chơi, ai biết đàn hát đến đâu thì chơi đến đó, rất ngẫu hứng, dây đàn căng chùng, tiết tấu nhanh chậm… cũng không quan trọng bằng chia sẻ cảm hứng.

GS-TS Trần Văn Khê nhận định: “Nhìn bên ngoài thì đờn ca tài tử có vẻ sơ sài, nhưng xét từ nhạc lễ đến quan hệ với hát ru, các điệu hò, điệu lý, rổi bóng, trò chơi dân gian và cả sáng tác mới, không chỉ là một di sản đáng quý, mà còn là một tài sản lớn của không gian văn hóa đương thời”.

Đa dạng bài bản

Theo nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: “Khoảng từ năm 1900 đến 1920, một số tập bài ca hoặc sách dạy đờn có kèm bài ca được xuất bản ở miền Nam như: Bản đờn tranh và bài ca (1909) của Phụng Hoàng San, Lục tài tử của Đặng Tiền Nhiều và Đinh Thái Sơn, Thập tài tử của Đặng Tiến Lợi và Đinh Thái Sơn, Tứ tài tử của Đặng Nhiều Hơn và Đinh Thái Sơn…”.

Trong tập sách của Phụng Hoàng San có những bài bản quan trọng như: Bình bán chấn, Xuân tình, Bình bán vắn, Bát man tấn cống, Lưu thủy, Phú lục, Tứ đại, Phụng hoàng, Nam Xuân, Nam ai…

Nhạc đờn tài tử khác nhạc lễ ít nhất ở mấy điểm: 1) Về dàn nhạc, thay thế một vài nhạc cụ như trống phách, kèn sáo… bằng đàn kìm, tranh, sến, nhị, tam… để chất nhạc giảm tính linh thiêng; 2) Về bài bản, làn điệu, ngoài việc kế thừa nhạc lễ, thì còn tái phối nhạc các bài dân ca Huế và Nam bộ. Đồng thời, cải biên một số bài bản cổ Trung bộ như Nam ai, Xuân tình, Lưu thủy, Phú lục, Kim tiền, Hành vân, Nam xuân, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã… Và sáng tác mới trên cơ sở âm điệu cổ điển như Văn Thiên Tường, Bình sa lạc nhạn, Đường Thái Tôn, Chiêu Quân…

Đờn ca tài tử có 20 bản tổ. Từ năm 1945, sau quá trình đúc kết, nhạc sư Nguyễn Văn Thịnh (ông giáo Thịnh) đã công bố “thất thập nhị huyền công” - 72 bài cổ nhạc Nam bộ. Ngày nay, một tài tử lành nghề thì ngoài 20 bản tổ, họ còn phài rành rẽ 72 bài cổ nhạc nói trên.


Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm