10/02/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuối tuần này có Ngày Valentine (Ngày Lễ tình yêu, 14/2), nếu bình thường đây sẽ là dịp nở rộ nhiều hoạt động “xem, nghe, thấy, đọc”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vì dịch bệnh do chủng mới của virus corona vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nên các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
1. Liveshow Cảm ơn tình yêu với sự tham gia của Bằng Kiều và nhiều ca sĩ khác, dự kiến diễn ra ngay ngày Lễ Tình yêu 14/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng liveshow này hiện đã chính thức bị hủy do dịch corona. Nhiều sân khấu kịch tại TP.HCM cũng tạm đóng cửa. Vở Tình yêu trời đánh của Kịch Hoàng Thái Thanh rất hợp với Valentine cũng tạm không thể sáng đèn.
NSƯT Trịnh Kim Chi (Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi) cho biết, việc tạm đóng cửa sân khấu một phần để bảo vệ sức khỏe của mọi người, một phần cũng để chia sẻ lo lắng chung. “Sân khấu có vở phù hợp với Ngày Lễ tình yêu, nếu sáng đèn, thế nào cũng có khán giả. Nhưng trước lo lắng chung của cộng đồng, mình đâu thể vì lợi ích riêng mà làm ngơ. Ngày tình nhân thường cần những hành động lãng mạn, bay bổng, nhưng trước âu lo của nhiều người, mình cứ vô tư sáng đèn thì e cũng không phù hợp cho lắm” -Trịnh Kim Chi chia sẻ.
Những sự kiện mang tính quy mô nhỏ diễn ra vào đêm 14/2 như: Chương trình Dạ khúc cho tình nhân của Phòng trà We TP.HCM, đêm nhạc đặc biệt Happy Valentine (ca sĩ Lệ Quyên - Phòng trà Không tên, TP.HCM)… hoặc những sự kiện tương tự, trên tinh thần sẽ vẫn diễn ra, nhưng cũng không thể chắc chắn, bởi nó còn tùy thuộc vào tình hình diễn biến của dịch corona.
Hiếm hoi lắm mới còn lại Tuần lễ Phim tình yêu tại L’Espace (Hà Nội), từ ngày 10 đến 16/2, trình chiếu 7 bộ phim được cho là rất “lãng mạn và sâu sắc” phù hợp với mùa Lễ tình yêu.
Hoạt động “xem, nghe, thấy, đọc” nhân Ngày Lễ tình yêu bị hạn chế có lẽ làm cho ngày này bớt đi vẻ “ngọt ngào”. Trên cộng đồng mạng sự chấp nhận điều bớt ngọt ngào này càng rõ nét hơn. Những bài viết thể hiện rằng không cần tặng quà, không cần hôn nhau, không cần hẹn hò... nhiều không đếm xuể.
Qua các bình luận trả lời bên dưới mới biết thêm, những người này không phải không cần sự ngọt ngào của ái tình, không phải do quá lo sợ bệnh dịch, mà muốn chia sẻ với nỗi đau, sự lo lắng chung. Đây quả là một nghĩa cử đẹp đẽ về ứng xử văn hóa.
2. Valentine hay còn gọi là Ngày Lễ tình nhân, Ngày Lễ tình yêu (tiếng Anh được viết là Valentine’s Day hay Saint Valentine’s Day) diễn ra vào ngày 14/2 hàng năm. Ngày Lễ tình yêu vốn dĩ là ngày lễ của các nước Âu - Mỹ, ở một số nước như Mỹ, Canada… Ngày Lễ tình yêu họ gửi hoa, quà, thiệp chúc mừng đến những người yêu thương trong gia đình, thầy cô, bạn bè… Tại Italy, các chàng trai tặng cho người tình của mình hoa hồng và chocolate hạt dẻ bọc giấy bạc in những bài thơ tình hoặc những câu tỏ tình ngọt ngào. Tại Anh quốc, theo truyền thống, Ngày Lễ tình yêu, các cặp tình nhân tặng cho nhau bộ thìa bạc chạm khắc biểu tượng ổ khóa - chìa khóa với hàm ý như sự gắn kết keo sơn nhưng đầy riêng tư…
Tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, Ngày Lễ tình yêu ban đầu dường như dành cho người nước ngoài. Nhưng những năm gần đây nó trở thành một “lễ hội” đối với giới trẻ, tương tự như ngày Tết Tây hoặc Noel. Trong ngày này, các cặp đôi yêu nhau tặng quà cho nhau, chủ yếu là hoa hồng và chocolate. Đây còn là dịp để họ mời nhau đi ăn uống, xem phim, nghe ca nhạc… Nhất là các chàng trai, họ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đối với người yêu, người bạn gái của mình và cũng là dịp “thuận tiện” để họ… tỏ tình.
Dù xuất phát là một ngày lễ được du nhập từ phương Tây,nhưng sau đó, Ngày Lễ tình yêu (Valentine) đã trở thành một trong những ngày lễ đẹp ở Việt Nam (nhất là với giới trẻ), góp phần vun đắp tình cảm thân thương và nhất là tôn vinh tình yêu đôi lứa.
Như Hà - Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất