10/01/2019 12:05 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Những ngày này ở các bản làng vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, bà con dân tộc Mông đang rộng ràng đón Tết truyền thống. Diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm và kéo dài trong nhiều ngày, phong tục đón Tết của đồng bào Mông vùng cao đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu. Đây là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ sau một năm lao động vất vả.
Mấy hôm nay các thành viên trong gia đình anh Sồng A Khay ở bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, tất bật sửa soạn và làm những thủ tục để đón Tết của dân tộc Mông. Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết thì bánh dày là thứ không thể thiếu.
Những người phụ nữ trong gia đình đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày, còn thanh niên trai tráng khỏe mạnh thay nhau cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn. Những chiếc bánh dày trắng ngần làm từ gạo nếp nương được dùng để tạ ơn tổ tiên sau một vụ mùa thắng lợi và để mời khách thưởng thức trong những ngày Tết.
Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, mỗi gia đình người Mông ở xã Hồng Ngài sẽ tổ chức các nghi lễ Tết cổ truyền vào một ngày nhất định. Những nghi lễ, phong tục chính mà người Mông sẽ thực hiện trong ngày Tết là xua đuổi những điều không tốt của năm cũ và dán giấy niêm phong công cụ lao động của gia đình. Việc dán giấy lên công cụ lao động được người chủ gia đình thực hiện rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như sự tri ân chiếc cày, chiếc bừa, cây dao, cây búa... bởi trong năm qua những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình. Đồng thời, việc làm này có ý nghĩa mang lại một cái Tết ấm cúng, gắn kết các thành viên trong gia đình và cầu cho sang năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi.
Những năm gần đây có một điều ý nghĩa rất quan trọng trong ngày Tết của người Mông là những hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ. Anh Sồng A Khay phấn khởi cho biết: Tết của người Mông trước đây thường kéo dài gần một tháng nhưng hiện nay chỉ gói gọn trong khoảng 5 ngày. Khi gia đình tổ chức ăn uống thì người vợ cũng được bình đẳng, ngồi ăn cùng chồng con chứ không phải ăn riêng như trước.
Cùng với cuộc sống vật chất ngày càng được nâng lên, đời sống tinh thần của người Mông vùng cao cũng rất phong phú. Bà con quan niệm rằng sau một năm vất vả thì ngày Tết là dịp để ngơi, nhìn lại những thành quả sau một năm lao động. Sau khi đã ăn Tết ở lần lượt từng gia đình, những chàng trai, cô gái người Mông lại tập trung ở một khu đất rộng để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, trong đó trò chơi không thể thiếu là ném pa pao.
Những trái pa pao được ném qua, ném lại như những lời yêu thương của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông trao cho nhau trong mùa xuân mới. Đó cũng là sự kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp đã được người Mông vùng cao Sơn La gìn giữ từ bao đời nay. Anh Mùa A Chư, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, chia sẻ: Ném pa pao là nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mông. Khi năm cũ qua đi, năm mới lại đến thì các nam nữ thanh niên đều có một trái pa pao để trao cho nhau niềm vui. Những người chưa có bạn trai, bạn gái thì cố gắng tìm cho mình người bạn đời.
Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bắc Yên Hờ Lao Cang, với đặc thù là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, Bắc Yên có trên 40% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đồng thời, huyện đã hướng dẫn, vận động để bà con đón Tết văn minh, tiết kiệm hơn, phù hợp với nếp sống văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
TTXVN/Hữu Quyết
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất