02/02/2023 10:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Đôi khi, cách hành xử của người lớn lại vô tình làm tổn thương những đứa trẻ.
Có con là điều tuyệt vời nhất trên thế giới này đối với bất cứ ông bố, bà mẹ nào, thế nhưng hành trình chăm sóc và nuôi dạy con cái lại chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách. Đôi khi vì mệt mỏi, mưu sinh, nhưng lo lắng trong cuộc sống thường nhật mà người lớn vô tình làm tổn thương trẻ bằng hành động hoặc lời mắng nhiếc.
Ai cũng chia sẻ, trẻ nhỏ vốn rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, thế nhưng càng lớn con lại càng lì lợm, khó bảo, sẽ có những giai đoạn con thay đổi tính cách, cãi lại bố mẹ, thậm chí làm những việc khiến người lớn cáu gắt. Đặc biệt là khi một đứa trẻ có thêm em, sự phân biệt đối xử giữa 2 con sẽ làm nảy sinh sự đố kị, khó chịu ở con lớn.
Khi một gia đình chào đón thành viên mới, việc quan tâm, chăm sóc và dành nhiều thời gian hơn cho em bé là lẽ đương nhiên. Thế nhưng nếu không biết cách cân bằng, trẻ lớn sẽ cảm thấy tổn thương, bị em "giành" mất điều quý giá nhất cuộc đời là bố mẹ. Từ đó có những hành động phản kháng, chống đối lại bố mẹ mình.
Mới đây, trên mạng xã hội, các phụ huynh liên tục chia sẻ mẩu giấy ghi lại những dòng tâm sự của bé gái khiến nhiều người xót xa. Cô bé viết: "Con ghét mẹ, mẹ không bao giờ cho con đi bằng xe máy, mẹ chỉ cho Gạo đi thôi. Mẹ hay xưng mày tao với con".
Trong một mẩu giấy khác, cô bé dường như đã làm sai chuyện gì đó nên liên tục cầu xin mẹ tha thứ. Thế nhưng, thay vì nói trực tiếp, con lại chọn cách viết ra giấy: "Con cầu mong ông trời cho mẹ con tha lỗi cho con, mong ông trời làm đi ạ, con xin ông trời". Bên cạnh đó, bé còn vẽ hình trái tim chia đôi khiến nhiều người càng thêm xót xa.
Theo chia sẻ của người mẹ, có lẽ chị đã quá vô tâm khi không để ý đến cảm xúc của con cái. Làm mẹ rồi mới thấy đôi khi mình trở thành "vai ác" trong mắt con. Những chuyện đơn giản như thích được mẹ đưa đi học bằng xe máy hay không xưng hô cộc cằn cũng đủ khiến con tổn thương rồi. Làm mẹ quả thực thật khó, đặc biệt là khi không đặt mình vào vị trí của con.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể nhận ra rằng hoàn cảnh sống quyết định rất nhiều đến tính cách của một đứa trẻ, việc được cha mẹ yêu thương, đối xử công bằng sẽ giúp đứa trẻ lớn lên trong hạnh phúc, vô tư, vô nghĩ. Ngược lại, khi một đứa trẻ phải chịu những bất công, tổn thương trong chính gia đình của mình thì đứa trẻ ấy sẽ dần đi sai hướng, thiếu tự tin, không còn quan tâm đến người khác hay tình cảm gia đình.
Khi trẻ cảm thấy thoải mái với bản thân, chúng sẵn sàng vượt qua khó khăn, tin tưởng vào bản năng của mình. Đây chính là nền tảng cho một trí tuệ cảm xúc tốt, là chìa khóa để được hạnh phúc. Cha mẹ nên khuyến khích con thể hiện cảm xúc của mình, dù là vui, buồn, mệt mỏi và cùng con vượt qua những cảm xúc đó.
Thế giới nội tâm của trẻ giống như một cuốn sách, cha mẹ cần đọc cả tấm lòng mới có thể hiểu hết ý tứ của trẻ. Chính vì thế, hiểu con là công cụ hữu hiệu nhất để cha mẹ nắm bắt được những khó khăn, từ đó giúp đỡ con vượt qua trở ngại trong mỗi giai đoạn phát triển.
Là phụ huynh với lịch trình bận rộn, bạn dễ dàng xây dựng thói quen, đưa ra quyết định và rồi áp đặt những quyết định đó lên đứa trẻ. Bạn muốn những điều tốt đẹp cho con và luôn tin rằng lựa chọn của mình là tốt nhất. Tuy nhiên, hành động của bạn đang trực tiếp tước đi quyền lựa chọn của trẻ - một quyền và kỹ năng quan trọng cho sự phát triển và thành công của chúng trong tương lai.
Mỗi gia đình sẽ có những nguyên tắc và luật lệ trong việc nuôi dạy con cái, được quyết định và thống nhất bởi cả bố lẫn mẹ. Cách hành xử, lời nói lẫn hành động của bố mẹ đối với bất kì việc gì cũng sẽ tác động rất lớn lên con cái của họ. Nếu một đứa trẻ chỉ cần làm sai là bị đánh, đòn roi thì đó không phải là đứa trẻ được sống trong môi trường hạnh phúc.
Tuổi thơ của con chỉ có 1 lần và chẳng hề lặp lại. Đừng vì quá bận rộn mà bỏ qua mất giai đoạn đáng quý này. Thời gian không cần nhiều nhưng nhất thiết phải hiệu quả, có nghĩa là tập trung hoàn toàn vào con mà không có sự can thiệp của thiết bị điện tử hay việc nào khác.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất