Nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ...

16/01/2013 20:45 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Ngày 16/1, UBND tỉnh Quảng Nam vừa chính thức thông qua một kịch bản ứng phó nếu vỡ đập Sông Tranh 2.


Các cửa xả nước vẫn được mở để đề phòng nước lũ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Theo đó, khi xảy ra sự cố, sau hơn 1 phút phát tín hiệu, số lượng dân cần sơ tán khẩn cấp là 62.600 người tại 145 thôn, khối phố, thuộc 51 xã, thị trấn của 8 huyện thành phố: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An.

Nếu động đất xảy ra với cường độ mạnh gây vỡ đập sông Tranh 2 thì ngay lập tức 730 triệu m3 nước sẽ sinh lũ quét và làm ngập lụt vùng hạ lưu. Bởi thế, lần lượt ở mỗi thôn (tổ, khu phố), xã (phường, thị trấn), huyện (thành phố), tỉnh phải thành lập một đội tìm kiếm cứu nạn 25- 30 người, một trung đội dân quân cơ động, 1 đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động cùng lực lượng cơ động của tỉnh để kịp thời ứng cứu ngay.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, hiện nay 5 trạm quan trắc không có chức năng dự báo động đất nên việc dự báo khi xảy ra sự cố là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra vỡ đập, người dân cũng không còn bình tĩnh để thông báo cho nhau, nên đề nghị tỉnh nên có tín hiệu gì đó để tất cả người dân cùng biết: Còi hú, bắn súng...

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ đạo: Phải xây dựng hai phương án, vỡ đập khi có lũ lụt và vỡ đập khi không có lũ lụt. Các huyện phải ngay lập tức điều tra xem xét tình hình để lên phương án cụ thể nhất. Thuốc men, lương thực phải sẵn sàng. Khi đã có phương án chi tiết, các huyện cần triển khai cụ thể đến người dân. Sau đó tổ chức diễn tập, nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Như vậy, cán bộ và nhân dân Quảng Nam đang ở tư thế sẵn sàng đối phó với tình hình xấu nhất có thể xảy ra: Vỡ đập sông Tranh 2 khi đỉnh lũ ở mức cao nhất (năm 1964). Mặc dù đã và đang chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho tình trạng này, nhưng hi vọng đập sông Tranh 2 sẽ không vỡ.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm